Phối hợp chặt chẽ khắc phục hậu quả vụ tàu du lịch bị chìm tại Đà Nẵng
(ĐCSVN) - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa ban hành công văn số 235/UBATGTQG nhằm thực hiện kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa ngày 04 tháng 6 năm 2016 tại thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Thông tin truyền thông và Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai, thực hiện các nội dung sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng tiếp tục trực tiếp chủ trì toàn bộ hoạt động cứu hộ tại hiện trường, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn tốt nhất của địa phương và ngư dân phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các bộ, ngành nhằm đẩy mạnh công tác tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.
Thứ hai, tổ chức cứu chữa, hỗ trợ các nạn nhân bị thương; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người; đồng thời kịp thời biểu dương khen thưởng lực lượng cứu hộ cứu nạn có thành tích trong cứu hộ; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ các đơn vị, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác cứu hộ cứu nạn để làm căn cứ đề xuất khen thưởng cấp cao hơn.
Thứ ba, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn, xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động vận tải thủy nội địa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông tổng kiểm tra hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn thành phố, đặc biệt tập trung vào hoạt động vận tải hành khách du lịch, bến khách ngang sông.
Công tác tìm kiếm nạn nhân của vụ tai nạn được lực lượng
cứu hộ khẩn trương tiến hành tối ngày 4/6 (Ảnh: KS)
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo: Cục Đường thủy nội địa và các Sở Giao thông vận tải địa phương kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa, chú trọng các quy định về an toàn phương tiện, bằng lái chứng chỉ chuyên môn, trang thiết bị cứu hộ, sử dụng áo phao theo đúng quy định; tăng cường công tác quản lý nhà nước với hoạt động vận tải thủy nội địa trên phạm vi cả nước, chú trọng hoạt động vận tải hành khách du lịch và các dịch vụ khác trên đường thuỷ, quản lý và kiểm tra an toàn trước khi xuất bến, kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường thủy và xây dựng văn hóa giao thông, biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định pháp luật, có nhiều thành tích trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Rà soát và sửa đổi kịp thời các văn bản quy định pháp luật có liên quan đến kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy, tập trung vào lĩnh vực vận tải hành khách du lịch thủy nội địa. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải thủy nội địa tại một số địa phương tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông thủy nội địa.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy bổ sung nhân lực trang thiết bị phục vụ cho việc tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trong giao thông thủy nội địa.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ tư lệnh quân khu 5 huy động tối đa lực lượng đáp ứng tốt nhất yêu cầu thực tế, phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng trong công tác cứu hộ cứu nạn.
Bộ Thông tin Truyền thông, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, vận động việc chấp hành pháp luật giao thông đường thủy nội địa và xây dựng văn hóa giao thông, phổ biến hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa./.