Phiên toà có bị tạm ngừng khi bị cáo vắng mặt ?
(ĐCSVN) - TAND TP.Hà Nội đang xét xử vụ án nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và 7 bị cáo trong vụ thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD. Bị cáo Cao Minh Quang phải nhập viện cấp cứu vì sức khỏe yếu. Liên quan đến vụ việc trên, nhiều bạn đọc quan tâm việc xét xử có bị tạm ngừng hay không, nếu có căn cứ theo quy định nào?.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chống nạng đến tòa tại phiên xét xử 21/11. |
Trong vụ án, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị xét xử tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với cáo buộc biết Dược Cửu Long “biển thủ” hơn 3,8 triệu USD nhưng không báo cáo Bộ Y tế và không chỉ đạo kiểm tra. Tại phiên xét xử sáng 22/11, ông Quang đã có đơn xin vắng mặt vì đang điều trị nhiều bệnh lý tại bệnh viện như u não vùng xoang hang trái, thoát vị đĩa đệm, suy tim. Tòa nhận thấy có căn cứ và chấp nhận lý do vắng mặt của bị cáo Quang.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Luật số: 101/2015/QH13, ngày 27/11/2015), việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:
Điều 251. Tạm ngừng phiên tòa
1. Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.
2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.
Như vậy, một trong những trường hợp khiến phiên tòa tạm ngừng là do tình trạng sức khỏe của người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa. Nếu điều đó có thể khắc phục được trong thời gian ngắn (dưới 5 ngày), thì tòa án có thể căn cứ vào đó tạm ngừng phiên tòa - Luật sư Nguyễn Phú Thắng chia sẻ.
Còn theo Khoản 2, Điều 290, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
Điều 290. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa
1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) là người có quyết định đối với mọi hoạt động xét xử. Vì vậy quyết định tạm ngừng hay không tạm ngừng phiên toà do HĐXX ra quyết định.
Nếu bị cáo đã có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khoẻ, lời khai cùng các thông tin liên quan đến cá nhân họ đã đầy đủ rõ ràng và việc vắng mặt đó không ảnh hưởng đến việc xem xét quyết định hình phạt đối với các bị cáo khác thì HĐXX vẫn quyết định tiếp tục phiên toà theo quy định./.