Phẫu thuật thẩm mỹ - con dao hai lưỡi
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng gia tăng khiến cho hàng loạt cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mới đã xuất hiện. Tuy nhiên, do chủ quan, thiếu hiểu biết khi lựa chọn các cơ sở không an toàn mà không ít người “tiền mất tật mang”, thậm chí phải đánh đổi cả bằng tính mạng của mình.
Một cơ sở làm đẹp chui bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh bắt quả tang tại quận Gò Vấp - Ảnh: Sở Y tế cung cấp |
Phẫu thuật thẩm mỹ giúp chỉnh sửa những khuyết điểm trên cơ thể, đem lại vẻ ngoài hấp dẫn, tự tin cho con người. Điều đó không thể phủ nhận. Cũng nhờ có phẫu thuật thẩm mỹ, không ít người đã khắc phục được những khiếm khuyết của mình, từ đó có thể có được nhiều cơ hội tốt hơn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, những rủi ro, những biến chứng từ các ca phẫu thuật thẩm mĩ cũng không hề nhỏ.
Tại Hội thảo "Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?" do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Hồng Bàng TP Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, TS.BS Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc đã dẫn số liệu của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó khoảng 25.000-35.000 ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%.
Riêng tại Bệnh viện Thẩm mỹ JW, trong 3 năm gần đây, JW đã tiếp nhận khoảng 511 ca bệnh đến điều trị vì biến chứng trong thẩm mỹ. Trong đó, phần lớn biến chứng từ tình trạng người dân đi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ “chui”. Đây là các cơ sở không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo chia sẻ của các bác sĩ, trong phẫu thuật nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng, chỉ cần lơ là một chút là tai biến luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đấy là lý do vì sao mà các bác sĩ phải được đào tạo rất bài bản mới có thể tiến hành phẫu thuật trên bệnh nhân. Đồng thời, ngoài chuyên môn của bác sĩ thì còn phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, phòng phẫu thuật, trang thiết bị vật tư trong quá trình phẫu thuật.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta cũng đã thấy rất nhiều trường hợp không phải y bác sĩ, hay người có trình độ y khoa nhưng lại tự ý mở spa, cơ sở làm đẹp để tiêm filler (chất làm đầy), tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực… Thậm chí, có những trường hợp từ thợ cắt tóc, gội đầu hay thợ làm nail, phun xăm, spa chỉ sau một vài khóa học ngắn hạn đã có thể tự xưng là bác sĩ. Chính vì thế, có những cơ sở không nhận biết được dấu hiệu tai biến, do đó, không đánh giá đúng nguy cơ, xử lí sai cách. Điều này khiến bệnh nhân lỡ thời gian vàng cấp cứu, để lại nhiều di chứng nặng nề, những sự cố y khoa đáng tiếc cho bệnh nhân, thậm chí là tử vong.
Về phía các cơ sở thẩm mỹ “chui” đã vậy, nhưng về phía người dân, có lẽ chúng ta cũng quá chủ quan, thiếu tìm hiểu để “giao trứng cho ác” và cuối cùng thì “rước họa vào thân”. Cái giá đắt do phẫu thuật thẩm mỹ đã được cảnh báo từ lâu và cũng thường xuyên có những trường hợp bị tai biến khi đi phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không ít chị em vẫn liều mình làm đẹp ở những cơ sở thẩm mỹ “chui”, không được cấp phép hoạt động. Nhiều người hiện nay khi muốn “chỉnh sửa” một phận nào khiếm khuyết trên cơ thể thì lựa chọn cơ sở thẩm mỹ, spa nhưng lại không tìm hiểu rõ cơ sở ấy có chứng chỉ hành nghề không, chất lượng đội ngũ y bác sĩ ra sao, các trang thiết bị y tế thế nào (dù các phẫu thuật này có liên quan tới dao, kéo, có khi phải gây tê, gây mê) mà chỉ nghe qua những lời quảng cáo trên mạng xã hội hay từ lời giới thiệu của bạn bè. Và tới khi gặp sự cố, bị biến chứng, cần giải quyết “hậu quả”, người dân mới tìm tới bệnh viện. Trường hợp chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội) tử vong vì nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ tại ngõ 147A Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) hồi đầu năm đã khiến chúng ta không khỏi giật mình. Bởi chị H. tới đây làm dịch vụ do được bạn giới thiệu và cơ sở này hành nghề không phép.
Đầu mũi bệnh nhân bị thủng, biến chứng nặng sau một thời gian phẫu thuật tại thẩm mỹ viện (Ảnh: BVCC). |
Theo các chuyên gia, biến chứng thường gặp nhất của phẫu thuật thẩm mỹ "chui": mắt (42%), mũi (31%), tiêm filler (22%), ngực (4%). Đáng báo động là tình trạng tiêm filler đang tràn lan. Hiện nay, các cơ sở spa, thẩm mỹ viện không có chức năng tiêm filler, phẫu thuật thì họ lại tiêm filler nhiều nhất. Biến chứng tiêm filler có thể gây mù mắt, hoại tử, nhiễm trùng cực kỳ lớn, nguy hiểm.
Để xử lý triệt để vấn đề thẩm mỹ “chui”, đầu tiên pháp luật cần nghiêm khắc hơn, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp này.
Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người dân thấy được mức độ nguy hiểm của việc phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không đảm bảo an toàn, không có uy tín, không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh việc kiểm tra, quản lý của các cơ quan nhà nước, người dân cũng cần có sự phối hợp, cung cấp các thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép để cơ quan chức năng có cơ sở xử lý hoặc phối hợp xử lý theo quy định.
Đồng thời, các bác sĩ khuyến cáo, chính người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ cần phải tự biết bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân mình. Bất kỳ phẫu thuật nào cũng phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện, ở những cơ sở y tế được cơ quan quản lý cấp phép, không nên tìm đến những cơ sở y tế không rõ ràng để phẫu thuật.
Những giải pháp trên được đẩy mạnh có thể sẽ đem lại hiệu quả hơn nhưng thiết nghĩ vẫn là chưa đủ nếu những người đứng đầu các cơ sở làm đẹp, spa vẫn cố tình tìm mọi cách để “lách” cho bằng được. Do vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ và ở đây đòi hỏi những người chủ của các cơ sở này phải biết đặt cái tâm, đặt đạo đức vào công việc, không vì lợi nhuận mà làm liều gây hại đến bệnh nhân.