Phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động
(ĐCSVN) - Các nước thành viên ASEAN đều nhận thấy phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và nâng cao tính cạnh tranh của khu vực để phù hợp với một thế giới công việc đang đổi thay.
Nguồn: VTV |
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh như trên trong phát biểu chào mừng Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về "Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay”, chiều 16/9.
Hội nghị do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại hơn 70 điểm cầu trong khu vực. Hội nghị được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Đây là một sự kiện đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN được tổ chức với sự tham dự của cả các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực lao động và Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực giáo dục của các nước thành viên ASEAN.
Tại đầu cầu Hà Nội, Hội nghị có sự tham gia và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phùng Xuân Nhạ và đại diện nhiều Bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước.
Con người là trung tâm phát triển
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TG) |
Phát biểu chào mừng hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chúng ta đang sống và làm việc trong một thời đại khi tiến bộ khoa học công nghệ đang có tác động sâu sắc lên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của tất cả các nước. Ứng dụng công nghệ và số hóa là nhân tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho việc ra đời và phát triển các sản phẩm mới, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới. Nhưng đồng thời, đổi mới công nghệ cũng đặt ra không ít những thách thức do sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, làm xuất hiện các công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng mới. Ngoài ra, thế giới việc làm cũng đang có những sự thay đổi sâu sắctrước nhữngtác động của biến đổi khí hậu, của xã hội già hóa, của dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang diễn ra hiện nay.
“Nhận thức được những cơ hội cũng thách thức đặt ra từ những tác động trên, các nước thành viên ASEAN đều nhận thấy phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và nâng cao tính cạnh tranh của khu vực để phù hợp với một thế giới công việc đang đổi thay” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phát triển nguồn nhân lực cũng chính là một trong những mục tiêu lâu dài, là kim chỉ nam cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN như đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. Trong điều kiện thế giới đang đổi thay nhanh chóng, ASEAN luôn xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, bởi xét đến cùng thì tăng trưởng và phát triển bền vững cũng chính là để phát triển con người và vì con người. Vì vậy, Việt Nam đã chọn phát triển nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, góp phần thúc đẩy phát triển của Cộng đồng Kinh tế, tăng cường khả năng chủ động thích ứng của ASEAN.
Trong phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, để chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hoá, trước tiên, ngành giáo dục trong khu vực cần nâng cao chất lượng giáo dục tại mỗi quốc gia. Trong thập kỉ vừa qua, khối ASEAN nói chung đã có bước tiến đáng kể trong các chỉ số tiến bộ xã hội, đặc biệt là về giáo dục cơ bản. Chính phủ các nước thành viên cũng thể hiện quyết tâm và ủng hộ đối với hội nhập quốc tế giáo dục đại học. Vai trò của khối giáo dục sau phổ thông, bao gồm các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp, đang ngày càng được đẩy mạnh trong nâng cao năng lực tư duy, kĩ năng chuyển đổi của lực lượng lao động và hỗ trợ kết nối giữa kênh lao động và kênh giáo dục.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở tất cả các trình độ. Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được thành lập vào năm 1995 theo thỏa thuận của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, cho tới nay đã phát triển bao gồm 30 trường đại học thành viên chính thức thuộc 10 nước, trong đó có 3 trường đại học của Việt Nam. Theo Bộ trưởng, đây là một dấu mốc lớn trong công nhận một cách công bằng về chất lượng lao động giữa các quốc gia trong nội khối ASEAN.
Đặc biệt, khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) được bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN thông qua năm 2014 là một nỗ lực chung của các nước thành viên tạo ra một nền tảng để so sánh, đối chiếu các văn bằng, trình độ. Khung tham chiếu này cũng sẽ hướng đến hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của học tập suốt đời ở các nước thành viên thông qua phát triển các tiếp cận mới để xác thực các kết quả học tập tích lũy được của mọi người...
Tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, trên thế giới, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và ASEAN đã có rất nhiều diễn đàn ở các cấp độ bàn về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Dù ở cấp độ nào, giác độ nào, chúng ta đều khẳng định phải tăng cường đổi mới giáo dục để mọi người dân, ngay từ khi còn nhỏ phải được thôi thúc, khơi dậy sáng tạo, được rèn luyện kỹ năng thích ứng với sự thay đổi” – Phó Thủ tướng phát biểu.
Theo Phó Thủ tướng, không chỉ có giáo dục, đào tạo, mà tất cả các chính sách về an sinh xã hội, tạo lưới an sinh, xóa đói, giảm nghèo… cũng cần thay đổi. Bên cạnh những cơ chế truyền thống, phải thêm những cơ chế để tất cả người lao động có cơ hội và nhận thức được nghĩa vụ phải tự cập nhật kiến thức, phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp mới, thậm chí luôn sẵn sàng để chuyển đổi nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, phải thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đa phương, đa chiều, thiết lập các mạng lưới, cơ chế kết nối rất linh hoạt giữa các Chính phủ với nhau, với các tổ chức, doanh nghiệp và giữa mọi người dân. Mọi chính sách, trong đó có chính sách lao động, cần được hoạch định dựa trên quy mô và tầm nhìn, không chỉ bó hẹp ở tổ chức, cộng đồng, quốc gia mà phải mở ra ở tầm khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TG) |
Phó Thủ tướng lưu ý, phát triển nói chung và phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội với vai trò định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, sự tham gia của mọi người dân và đặc biệt là sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. “Chúng ta khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chính là giải pháp quan trọng trong phát triển bền vững trong tương lai” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, phát triển nguồn nhân lực là một trong 03 ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN được ghi trong Hiến chương ASEAN. Các hoạt động ở các cấp độ trong từng quốc gia, với các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác chiến lược, đối tác hợp tác đều rất chú trọng việc này, và đã có nhiều hoạt động, sáng kiến cụ thể như: Xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN, hay tạo ra các không gian giáo dục đại học để sinh viên các nước ASEAN có thể qua lại với nhau. Đặc biệt, việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN ngày hôm nay cũng là thêm một minh chứng cụ thể, sinh động.
Những nỗ lực như vậy cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, liên tục để có thể thực hiện thành công Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang thay đổi, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới của xã hội tương lai.
“Việt Nam cam kết luôn tích cực phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên, các đối tác trong thực hiện Lộ trình này, biến cam kết chính trị trở thành hiện thực, để có rất nhiều cơ hội cho người lao động, cho DN và cho một cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Trong khuôn khổ hội nghị, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN chính thức ra mắt. Theo đó, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN có nhiệm vụ hỗ trợ các chương trình để thu hẹp khoảng cách cung cầu kỹ năng nghề trong ASEAN dựa trên cải thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, khai thác hệ thống này phục vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp. Cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cải thiện kỹ năng kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho nhóm yếu thế... |