Phát triển "kỹ năng chuyển đổi", thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông
(ĐCSVN) - Kỹ năng là yếu tố được hình thành và phát triển liên tục trong suốt quá trình từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Quá trình học tập làm cho con người thay đổi cả về nhận thức, kỹ năng và hành vi trải nghiệm - trong đó kỹ năng giữ vai trò quyết định cách thức, hiệu quả của cả nhận thức và hành vi.
Kỹ năng và sự phát triển các kỹ năng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông
Kỹ năng (tiếng Anh: skill) là khả năng của con người trong việc vận dụng kiến thức để thực hiện một nhiệm vụ nghề nghiệp mang tính kỹ thuật, giải quyết vấn đề tổ chức, quản lý và giao tiếp... Các định nghĩa khác về kỹ năng thường gắn với góc nhìn chuyên môn và quan điểm cá nhân của người nghiên cứu, song đều "gặp nhau" về quá trình áp dụng những tri thức đúng đắn mà một cá nhân cần tích lũy được - thậm chí, như nước Mỹ - đã đưa ra danh sách tới 10 kỹ năng bắt buộc mà mỗi người lao động phải tự trang bị, trong đó có: Học cách học – Phương pháp học, Lắng nghe và Thấu hiểu, Thuyết trình và Thuyết phục, Giải quyết vấn đề, Tư duy sáng tạo và hiệu quả,... thể hiện mối quan hệ tương tác, kết nối để tạo nên hệ giá trị sống cho con người.
Các em học sinh trong một phần thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THPT. (Nguồn: laodong.vn) |
Không giống kiến thức nào của mỗi môn học nào, kỹ năng được hình thành và phát triển liên tục, trong suốt quá trình từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành; do đó, việc đánh giá kỹ năng rất khác so với đánh giá môn học. Theo lý luận dạy học hiện đại, mục tiêu đánh giá năng lực người học không thể căn cứ vào quá trình dạy học áp đặt hoặc truyền thụ một chiều, ghi nhớ máy móc những kiến thức khô khan và biệt lập - mà dựa trên phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, phát huy vai trò chủ động và tích cực tham gia các "hoạt động học", phát triển tối đa tiềm năng và tư duy sáng tạo của người học.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã lựa chọn sự phát triển kỹ năng thực hiện theo một quá trình giáo dục và tự giáo dục, phù hợp với mục tiêu chiến lược trên phạm vi toàn cầu thông qua sự hỗ trợ việc phát triển có hệ thống một loạt các kỹ năng chuyển đổi cần thiết suốt đời và thông qua nhiều hình thức học - chính quy, phi chính quy và dựa vào cộng đồng. Điều đó phù hợp với mục tiêu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) giúp học sinh làm chủ và biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. Theo đó, Chương trình đặt ra các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực cốt lõi và những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục, góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh.
Một số định hướng trong Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2019-2030 của UNICEF
Là một tổ chức quốc tế đi đầu trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em ở 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam, mục tiêu hoạt động của UNICEF nhằm hỗ trợ tất cả trẻ em đều có quyền sống, phát triển và phát huy hết tiềm năng của mình - vì lợi ích của một thế giới tốt đẹp hơn - thực hiện thông qua việc bảo vệ quyền trẻ em, tập trung vào những người nghèo nhất và thiệt thòi nhất. Trong Chiến lược Giáo dục (2019-2030) của UNICEF, liên quan đến Giáo dục và Phát triển kỹ năng cho độ tuổi trung học, UNICEF đưa ra khuyến cáo về những thách thức toàn cầu - Khủng hoảng học tập và phát triển kỹ năng - đó là cho đến nay, còn tới 230 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi trung học không đạt trình độ đọc hiểu và toán học tối thiểu, và nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, thì đến năm 2030, sẽ có 800 triệu trẻ em sẽ rời ghế nhà trường mà không có các kỹ năng cơ bản ở cấp trung học. Tình trạng đó sẽ diễn ra, bởi tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình hiện nay, ước tính có tới 53% trẻ em hoàn thành bậc tiểu học mà không thể đọc hiểu một câu chuyện đơn giản, và đang không được phát triển các kỹ năng cần thiết cho học tập, cuộc sống, công việc và để trở thành những công dân tích cực của thế kỉ 21.
Theo đó, xu hướng này sẽ củng cố tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng nền tảng (ví dụ: biết chữ và biết số cơ bản), kỹ năng có thể chuyển đổi (ví dụ: kỹ năng cảm xúc xã hội, sáng tạo, giải quyết vấn đề) và kỹ năng số. Bằng những phân tích, UNICEF chỉ ra rằng: độ tuổi học sinh cấp Trung học cơ sở là giai đoạn phát triển đặc thù của mỗi con người về tâm sinh lý, về nhu cầu/sở thích và bộc lộ khả năng có tính chất tiên quyết đối với tương lai; đó là một nhóm tuổi đa dạng về nhiều bình diện, do đó việc học diễn ra trong nhiều bối cảnh có tính chất cá nhân khác nhau; hơn nữa, để đáp ứng những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng đã thay đổi hẳn nhằm hình thành và phát triển toàn diện năng lực của người học, dẫn đến mô hình trường học truyền thống không còn đáp ứng được các nhu cầu này một cách hiệu quả, UNICEF đặt vấn đề/xác định nhiệm vụ Phát triển kỹ năng cho độ tuổi học sinh trung học như sau:
Thứ nhất, các hệ thống giáo dục cần có nguồn lực và đầu tư để trang bị cho tất cả trẻ em và học sinh lứa tuổi trung học - đặc biệt là các đối tượng thiệt thòi nhất - những kỹ năng cần thiết để thành công trong thế kỉ 21, cụ thể bao gồm: Các kỹ năng nền tảng và kỹ năng mềm để học tập và chuyển tiếp lên bậc đại học; Các kỹ năng mềm và giáo dục vì sự phát triển bền vững để ngăn chặn và ứng phó với suy thoái môi trường, thiên tai và sức ép ngày càng lớn đối với tài nguyên thiên nhiên; Các kỹ năng mềm và kỹ năng công việc (bao gồm các kỹ năng khởi sự kinh doanh) để làm việc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và tăng dịch chuyển lao động).
Thứ hai, các kỹ năng số để làm việc trong môi trường công nghệ. Tuy nhiên, với rất nhiều kỹ năng có thể phát triển để đáp ứng các yêu cầu khác nhau, trước hết, cần xác định đâu là kỹ năng cần thiết? Báo cáo Phát triển Thế giới (2019) phân chia 3 loại kỹ năng: Kỹ năng nền: Kỹ năng đọc viết, tính toán và kỹ năng công nghệ số - một kỹ năng ngày càng đóng vai trò quan trọng. Kỹ năng chuyển đổi: Kỹ năng giao tiếp, sáng tạo, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện – những kỹ năng áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau. Kỹ năng chuyên môn: Lập trình (coding), kế toán hoặc kỹ thuật cho phép làm một công việc cụ thể. Các kỹ năng này dễ thể trở nên lạc hậu.
Các phân tích cũng chỉ ra mối quan hệ, kỹ năng chuyển đổi và kỹ năng nền củng cố lẫn nhau (ví dụ: kỹ năng giải quyết vấn đề và toán học, tư duy phản biện và khả năng đọc viết); đồng thời khẳng định: thiếu những kỹ năng nền và kỹ năng chuyển đổi ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, người trẻ không thể học tập và làm những công việc đòi hỏi tư duy bậc cao và sẽ đánh mất những lợi ích công việc trong tương lai.
Hoạt động phát triển các "kỹ năng chuyển đổi" cho học sinh tại Việt Nam
Xu thế giáo dục của các nước phát triển trên thế giới hiện nay là: Phương pháp tiếp cận giáo dục mới chuyển hướng tập trung sang học tập/hoạt động học. Đây cũng là sự thay đổi có tính chiến lược trong quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam - "Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học". Theo đó, khái niệm học tập cũng được mở rộng, bao gồm học các kỹ năng nền tảng và kỹ năng mềm (như khả năng sáng tạo, linh hoạt và thích ứng), học cách sống tập thể và sống trong một thế giới mà sự phát triển bền vững đang ngày càng trở nên quan trọng.
Đại diện UNICEF và một số cán bộ nghiên cứu của Bộ GD&ĐT Việt Nam làm việc với đối tác Singapore về "kỹ năng chuyển đổi” (Ảnh: PV) |
Thực hiện Chiến lược Giáo dục toàn cầu UNICEF giai đoạn 2019-2030, mục tiêu hợp tác giữa UNICEF Việt Nam với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hai năm 2020-2021 nằm trong khuôn khổ hợp tác chu kỳ 2017-2021 được xây dựng thông qua cam kết hướng tới các kết quả đầu ra và các hoạt động đảm bảo chất lượng theo một ma trận tương ứng. Chẳng hạn: Kết quả 1. Học tập và kỹ năng cho mọi trẻ em; Kết quả 2. Một thế giới an toàn và trong sạch cho mọi trẻ em; Kết quả 3. Một môi trường học tập thuận lợi và tôn trọng cho mọi trẻ em... Đồng thời các Kết quả đó lại đảm bảo bao gồm nhiều hoạt động cụ thể để đảm bảo các minh chứng và chỉ báo phục vụ quá trình giám sát, đánh giá và kiểm nghiệm về tác động có thể đo lường được lên kết quả học tập và sự phát triển các kỹ năng cho học sinh. Trong quý 4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành triển khai "khởi động" một chuỗi công việc: Nghiên cứu, phân tích sự cần thiết của việc "Phát triển kỹ năng chuyển đổi" của giáo viên và học sinh phổ thông trong đó bao gồm phân tích các yếu tố tâm sinh lí của học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; Nghiên cứu, phân tích các yêu cầu kỹ năng dạy học của giáo viên và kỹ năng học tập của học sinh phổ thông; Nghiên cứu phân tích nội dung dạy học các môn học tác động đến kỹ năng chuyển đổi; Nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá các môn học đến kỹ năng chuyển đổi. Kết quả nghiên cứu hoạt động Chiến lược còn được kết nối với nhau trong hệ thống cả về mục tiêu tổng thể, cả mục tiêu cấp độ và của từng lĩnh vực.
Học tập là một quá trình làm cho con người thay đổi về cả nhận thức, kỹ năng và hành vi trải nghiệm - trong đó giữ vai trò quyết định cách thức, hiệu quả của cả nhận thức và hành vi chính là kỹ năng.
Giáo dục thực hiện sự chuyển mã tư duy từ bản năng sang ý nghĩa của quá trình phát triển. "Học để thay đổi thế giới, học để viết lên hi vọng" - đó cũng là những gợi mở khoa học và thật thú vị từ các nghiên cứu trên đây trở thành tiền đề xây dựng khung chuyển đổi các kỹ năng - từ cấp học mầm non là kỹ năng tình cảm xã hội (social emotional learning), lên cấp học cao hơn gồm kỹ năng tư duy phản biện (critical thinking), creativity (sáng tạo), communication (giao tiếp),... Kỹ năng chuyển đổi, bao gồm computational thinking (tư duy máy tính) không phải để khuyến khích học sinh trở thành “người máy” mà là cách học, cách tư duy kết nối kỹ năng nền với khả năng tìm ra vấn đề, phân tích vấn đề và giải quyết vấn đề đó phù hợp với đời sống: giúp học sinh trung học chuẩn bị kết nối học với hành, giữa kiến thức hàn lâm trên ghế nhà trường với thực tế và đòi hỏi của kỷ nguyên số mà đôi khi ở thời điểm hiện tại chưa thể biết hết./.