Phát triển kinh tế - xã hội trong Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc nhiều điểm sáng
(ĐCSVN)- Các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trong Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc được duy trì ổn định và đạt được những kết quả quan trọng, với nhiều điểm sáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của các tỉnh cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch. Một số tỉnh đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc top cao của cả nước.
Ngày 1/8, Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc gồm các tỉnh: Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện giao ước thi đua 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm, các tỉnh trong Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc phát động nhiều phong trào thi đua (PTTĐ) sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, các PTTĐ bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, những mục tiêu kinh tế, xã hội trọng yếu của từng tỉnh với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả.
Các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trong cụm được duy trì ổn định và đạt được những kết quả quan trọng, với nhiều điểm sáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của các tỉnh cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch. Một số tỉnh đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc top cao của cả nước, như: Điện Biên có tốc độ tăng trưởng GRDP đứng đầu trong 8 tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng, xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Lào Cai tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong năm đạt trên 2.500 tỷ đồng, đứng thứ 3/63 tỉnh thành theo quyết định giao của Thủ tướng Chính phủ.
Các tỉnh trong cụm thi đua thực hiện tốt việc ký kết giao ước thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị để tổ chức triển khai. Công tác khen thưởng được chỉ đạo chặt chẽ, bám sát tiêu chuẩn, đối tượng và đảm bảo trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định mới của Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành. Khen cấp Nhà nước 138 tập thể, cá nhân, trong đó tỷ lệ khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp chiếm 68,8%; khen thưởng cấp tỉnh 6.966 tập thể, cá nhân và hộ gia đình, trong đó tỷ lệ khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp chiếm 61,9%.
6 tháng cuối năm, Cụm thi đua tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng và thực hiện có hiệu quả luật thi đua; thực hiện tốt 5 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, trọng tâm triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”; đẩy mạnh và đổi mới hoạt động các phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; quan tâm công tác tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, mô hình mới, cách làm hay để nêu gương học tập; nâng cao chất lượng khen thưởng, quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp, các tập thể và cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh trong Cụm thi đua thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác thi đua khen thưởng./.