Bắc Giang: Chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024
(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, kế hoạch năm 2025 phù hợp với tình hình mới, quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế.
Ngày 2/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 5622/UBND-NN yêu cầu các sở, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai các giải pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ. Ảnh minh họa |
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 388/TB-UBND ngày 27/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân công; khẩn trương hoàn thành việc đánh giá tổng thể, toàn diện, đầy đủ, trung thực những thiệt hại do bão lũ gây ra.
Xây dựng và bảo đảm nguồn lực khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ Nhân dân. Việc thống kê, tiếp nhận, hỗ trợ, sử dụng nguồn lực hỗ trợ phải thật sự công khai, minh bạch.
Chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, kế hoạch năm 2025 phù hợp với tình hình mới, quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương tổ chức khôi phục sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, quan trọng nhất là các chính sách để hỗ trợ người dân tái sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời căn cứ vào nguồn lực tại chỗ, các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động khắc phục, sửa chữa các công trình, cơ sở hạ tầng, không trông chờ cấp trên.
Các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa khẩn trương có giải pháp bố trí chỗ ở ổn định cho các hộ dân đang phải tạm di dời do sạt lở đất. Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực chi hỗ trợ, UBND các huyện, thị xã, thành phố có văn bản gửi UBND tỉnh tổng hợp gửi Bộ Tài chính để xử lý ứng trước kinh phí cho địa phương thực hiện theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Chủ động rà soát lại kế hoạch sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là đảm bảo chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi khắc phục hậu quả bão, lũ.
Rà soát lại kế hoạch, phương án sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương không bị ảnh hưởng đợt bão, lũ; chủ động điều tiết, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của các địa phương về hỗ trợ vật tư, hóa chất xử lý môi trường, giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản để người dân khôi phục sản xuất…/.