Phát triển kinh tế tuần hoàn giảm thiểu ô nhiễm môi trường
(ĐCSVN) - TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn, cho rằng, để giảm rác thải nhựa, đồng thời hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựa, Việt Nam cần quản lý theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế sản xuất và kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ.
Nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, chiều 4/6, tại Hải Phòng, Viện Địa lí nhân văn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn hướng tới bảo vệ môi trường và xanh hóa các ngành kinh tế”.
TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lí phát biểu khai mạc. (Ảnh: VA) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chia sẻ: Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm.
Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, rác thải nhựa đang làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cũng như khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội.
Do vậy, Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm 2023 được Liên hợp quốc lựa chọn với chủ đề: “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó nhấn mạnh các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm thông qua triển khai các mô hình tuần hoàn, tái chế để hạn chế tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh ra môi trường.
TS. Nguyễn Song Tùng thông tin, theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở nước ta chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đã được Chính phủ của nhiều quốc gia hưởng ứng và triển khai.
Theo TS. Nguyễn Song Tùng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm rác thải nhựa như: trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Song Tùng cho rằng, để giảm rác thải nhựa, đồng thời hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựa, Việt Nam cần phải quản lý theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế sản xuất và kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói...
Mặc dù xu hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn xuất hiện chưa lâu, song với lợi thế của nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đây được coi là cơ hội phát triển kinh tế bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: VA) |
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về Chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác tận dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thực trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, giải pháp áp dụng mô hinh kinh tế tuần hoàn trong tái chế rác thải nhựa; giải pháp xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn...
Theo TS Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (Chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền), Nam Cầu Kiền đang "tiệm cận" với mô hình kinh tế tuần hoàn. Xác định xây dựng môi trường đầu tư xanh, thân thiện môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững, tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để chuyển từ khu công nghiệp tổng hợp ban đầu thành khu công nghiệp sinh thái. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, các công trình bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm phát triển đầy đủ, khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Đáng chú ý, khu công nghiệp đã áp dụng các biện pháp "tuần hoàn cục bộ" kết hợp với "tuần hoàn toàn diện" để giải quyết bài toán này. Nhờ đó, nguồn nước được khép kín tuần hoàn và giảm tác động ô nhiễm nguồn tài nguyên nước.
Bàn về giải pháp cho phát triển kinh tế tuần hoàn trong tái chế nhựa, TS Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lí nhân văn, cho hay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa theo thống kê tăng trung bình 20%/năm. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế là rất lớn, đồng thời kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn như tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất...
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Đáp cũng lưu ý, số lượng các nhà máy xử lý rác thải nhựa của Việt Nam còn quá ít, dẫn đến sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm, lượng rác thải lại gia tăng thêm 10%, tương đương hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường. Nếu như số lượng rác được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ. Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống thì chúng ta phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn. Đây là khâu quan trọng nhất.
* Bên lề Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn hướng tới bảo vệ môi trường và xanh hóa các ngành kinh tế”, nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2023, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức ra quân làm sạch bờ biển, trồng cây, thiện nguyện./.