Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang được đẩy mạnh, việc đặt ra những yêu cầu đổi mới về vai trò của đội ngũ nhà giáo ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt khi mục tiêu giáo dục là hình thành nhân cách và phát triển các năng lực cá nhân cho người học.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Mục tiêu của Đề án nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác phát triển đội ngũ giáo viên hiện nay.
Thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 1,2 triệu giáo viên, trong đó công lập 769.070 giáo viên (mầm non: 294.673, tiểu học: 392.554, trung học cơ sở: 309.368, trung học phổ thông: 137.475). Tổng số cán bộ quản lý cấp học mầm non, phổ thông là 149.100 người, trong đó cán bộ quản lý phổ thông, mầm non là 133.200; khối phòng, sở, Bộ là 15.900.
Đánh giá về chất lượng đội ngũ giáo viện hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng về cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, tương đối hợp lý về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của các nhà trường.
Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo được thực hiện theo hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Viên chức. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, tổ chức chuyển xếp từ ngạch sang hạng cho giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; đánh giá viên chức để rà soát, sàng lọc và tinh giản theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Trung ương và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Công tác quy hoạch, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm đội ngũ được tăng cường và thực hiện khá tốt, nhiều địa phương đã có những phương án bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học một cách linh hoạt để tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả biên chế; chế độ, chính sách cho nhà giáo được bảo đảm. Một số địa phương làm tốt như Lâm Đồng, Huế, Đồng Tháp, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên, Kiên Giang...
Công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông đã được nhiều địa phương tổ chức thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Bộ và từng bước đạt hiệu quả; nhiều sở giáo dục và đào tạo đã tích cực chủ động phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác xây dựng kế hoạch và bồi dưỡng đội ngũ, triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Huế, Bình Định...
Tuy vậy, theo Bộ GD&ĐT khi chuyển ngang từ ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp, nhiều giáo viên chưa đảm bảo đủ các tiêu chuẩn/tiêu chí theo quy định. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực hoặc có biểu hiện thiếu phương pháp sư phạm trong giáo dục học sinh (một số ít có hành vi bạo hành trẻ, vi phạm đạo đức nhà giáo).
Khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học trong quản lý, dạy và học của nhiều giáo viên còn hạn chế, đội ngũ nhà giáo cốt cán hoạt động theo cơ chế cũ, chưa được xây dựng bài bản và chưa đủ mạnh nên không phát huy được vai trò, vị trí của đội ngũ đầu đàn tại các nhà trường.
Năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý cơ sở giáo dục còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý giáo dục trong bối cảnh đổi mới. Việc đánh giá cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các chuẩn hiệu trưởng chưa thật sự hiệu quả, nặng về định tính, thiếu định lượng, quá trình đánh giá còn nể nang, hình thức.
Một vấn đề nữa đặt ra là tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông. Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp THCS như: Thái Bình 1224, Phú Thọ 1191, Thanh Hóa 2188, Nghệ An 1742, Quảng Nam 1096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1040, Bắc Giang 1921, Thái Bình 1500, Thanh Hóa 1405, Nghệ An 3328, TP Hồ Chí Minh 1195, đối với tiểu học một số tỉnh thiếu nhiều như TP Hà Nội 2696, Sơn La 1133, Gia Lai 1196.
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26750 (trong đó, tiểu học: 3194, trung học cơ sở: 21,005, trung học phổ thông: 2551); Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45058 (trong đó, mầm non: 32641, tiểu học: 7824, trung học cơ sở: 2799, trung học phổ thông: 1794).
Đề ra nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành Giáo dục như quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; về chế độ làm việc của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, chuẩn hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để chủ động trong công tác dự báo nguồn nhân lực ngành Giáo dục; các trường sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động trong cân đối chỉ tiêu tuyển sinh và lộ trình đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Tiến hành xây dựng chuẩn trường sư phạm hiện đại, tự chủ; sử dụng chuẩn này để kiểm định phân tầng, xếp hạng các trường sư phạm và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm đảm bảo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về vị trí và trách nhiệm nghề nghiệp, về sự cần thiết cần phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực và tác phong nghề nghiệp.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tích cực tham mưu với chính quyền địa phương để có cơ chế, chính sách động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực công tác với chất lượng, hiệu quả cao; ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cốt cán ở các nhà trường, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở trung tâm học tập cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quy hoạch đội ngũ, tuyển dụng, bố trí và sử dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý của các địa phương để có phương án chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những địa phương có vi phạm. Tiếp thu và giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị về thực hiện chế độ làm việc và chính sách của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục./.