Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 2018, tạo chính sách đột phá về lĩnh vực tài nguyên môi trường

Thứ Năm, 15/02/2018 11:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Năm 2017, ngành tài nguyên môi trường đạt được nhiều thành tựu quan trọng đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo thế và lực cho năm 2018 và những năm tiếp theo. Trước thềm năm mới xuân Mậu Tuất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Bích Liên

Phóng viên (PV): Với cương vị là tư lệnh của ngành quản lý 8 lĩnh vực “nóng” được dư luận quan tâm như: đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước… xin Bộ trưởng cho biết, những điểm nhấn của ngành trong năm qua 2017?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi cho rằng, năm 2017 là năm chủ động tạo nền tảng để tạo thế và lực cho những đột phá trong những năm tiếp theo.

Điểm nhấn đầu tiên đó là về mặt thể chế. Năm 2017, nhiều chính sách mới được ban hành tháo gỡ được nhiều khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quản quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ví dụ như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP được các địa phương, doanh nghiệp, dư luận đánh giá  cao; đã tháo gỡ cơ bản các vướng mắc về đất đai, thị trường bất động sản…

Thứ hai, có thể nói đây là năm vấn đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp được Bộ hết sức chú trọng với việc tiếp nhận giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục; thực hiện liên thông 11 thủ tục trong 3 lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận.

Thứ ba, trước nguy cơ lớn do biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển nội tại cũng như các tác động từ thượng nguồn đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành tổ chức Hội nghị huy động sáng kiến và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đây là mô hình điểm để nhân rộng ra các vùng trên cả nước thời gian tới.

Thứ tư, kết quả công tác quản lý, sử dụng đất đai có sự chuyển biến rất rõ nét. Nguồn lực, nguồn tài chính từ đất đai tăng mạnh nếu như năm 2015 thu từ đất là 54,2 nghìn tỷ, chiếm 8% tổng thu nội địa; thì trong 11/2017 đã đạt 92,1 nghìn tỷ, chiếm 11,65% thu ngân sách nội địa. Cả nước đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích khoảng 27 nghìn ha để phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giải quyết nhà ở cho nhân dân.

Một vấn đề mà gây bức xúc cho dư luận trong thời gian trước đây đó là lãng phí đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng năm nay đã được giải quyết tốt (giảm gần 78 nghìn ha). Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân trong thời gian qua.

Đặc biệt, tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm nay đã có sự chuyển biến tích cực từ quy định đến thực thi. Cả nước đã thực hiện cấp GCN lần đầu đối với 96,6% diện tích cần cấp tăng 1,8 triệu giấy so với  năm 2016; trong đó, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng.

Thứ năm, năm 2017 đã tạo ra những chuyển biến lớn, chuyển dần từ thế bị động sang chủ động về kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc giám sát chặt chẽ hoạt động khắc phục các tồn tại, vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) để doanh nghiệp này đi vào vận hành ước tính sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn thép, đóng góp vào tăng trưởng GDP của năm 2017.

Qua đây cũng cho thấy, một mô hình, cơ chế mới về kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao chính thức đang hình thành. Bộ đang khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát đặc biệt các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhằm chủ động kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa, không để xảy ra các sự cố môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ sáu, năm 2017 được biết đến là một năm kỷ lục về các hiện tượng thiên tai khốc liệt, cực đoan và dị thường tại nhiều nơi trên cả nước với 16 cơn bão, 04 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 15 đợt nắng nóng diện rộng với những trị số nắng nóng lịch sử 42 độ C ở miền Bắc và miền Trung; nhiều trận mưa lớn diện rộng, lũ lớn đạt mức lịch sử. Ngành TN&MT đã dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan trên diện rộng, chính thức đưa thông tin về trượt lở đất, lũ ống, lũ quét trong bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn. Cũng trong năm 2017, nhiều hệ thống cảnh báo thiên tai với công nghệ hiện đại được ngành TN&MT đưa vào sử dụng, vận hành góp phần nâng cao chất lượng và tính chính xác của các bản tin dự báo.

Thứ bảy, đã triển khai kinh tế hoá trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, trong đó đưa ra phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất. Đây là bước đi nhằm cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đặc biệt trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với phát triển của Việt Nam.

Thứ tám, đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông, nhờ đó tình trạng khai thác trái phép đã giảm. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát tài nguyên; công nghệ thông tin được triển khai sâu rộng trong quản lý điều hành.

Vấn đề cuối cùng, tôi cho rằng hết sức quan trọng đó là ngành đã hoàn thành việc sơ kết đánh giá một cách toàn diện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với 2 lĩnh vực đặc biệt quan trọng cho phát triển bền vững đó là đất đai, môi trường. Tổng kết đánh giá hai chiến lược lớn là khoáng sản và biển đảo. Qua đó xác định những bất cập, rào cản, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để sửa đổi 02 đạo luật quan trọng là Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường (BVMT) và ban hành chiến lược mới về khoáng sản và biển. Đây là bước chuẩn bị nhằm tạo ra những động lực mới cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn những tồn tại thách thức. Xin Bộ trưởng cho biết những tồn tại, thách thức đó của ngành là gì?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mặc dù đạt được kết quả quan trọng nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế như: Cơ chế, chính sách pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn, năng lực thực thi ở một số địa phương còn hạn chế; kết quả việc giải quyết đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm so với yêu cầu đặt ra.; quản lý đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn hạn chế như lấn chiếm, tranh chấp.

Tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn xảy ra ở một số nơi; tình hình ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở nhiều nơi; tài nguyên biển chưa được khai thác sử dụng hiệu quả và đóng góp tương xứng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Ở một số địa phương, năng lực thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật nhất là trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường…

Bởi vậy, năm 2018 cần phải tạo ra được những cơ chế, chính sách đột phá về tài nguyên và môi trường để thúc đẩy giải phóng sức lao động; thu hút, huy động các nguồn lực, nguồn vốn, khoa học công nghệ cho phát triển.

Tiếp đó là giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giải quyết tình trạng lãng phí, tiếp tục chặn đà suy thoái, suy giảm các nguồn tài nguyên; huy động các nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường, thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp môi trường để rác thải trở thành tài nguyên được tái chế, tái sử dụng. Và làm thế nào để tục nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai để giảm thiểu thiệt hại do hiểm họa thiên tai; đồng thời có các giải pháp để thích ứng, ứng phó hiệu quả đối với các tác động ngày càng khó lường của BĐKH.

Cuối cùng là phải giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện nhất là trong lĩnh vực đất đai.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2017 vừa qua là năm thành công của ngành tài nguyên và môi trường trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Theo quan điểm của Bộ trưởng, trong năm 2018 ngành sẽ làm gì để duy trì và phát huy thực hiện những gì?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cải cách TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường được Bộ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chương trình công tác hằng năm. Năm 2017, Bộ TN&MT là một trong những cơ quan hành chính cấp Trung ương đi đầu trong cải cách hành chính với việc vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi gần 45% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Lần đầu tiên triển khai thí điểm liên thông giải quyết 11 thủ tục hành chính của 03 lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư giảm thời gian và tiết kiệm đến 2/3 chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Năm 2018, Bộ tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong toàn ngành TN&MT; cụ thể hóa việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này bằng văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2018, Bộ đăng ký với Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT, dự kiến trình Chính phủ tháng 6./.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN