Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát triển bằng chính chất lượng dịch vụ

Thứ Ba, 03/07/2018 10:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm gần đây, hoạt động của loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô đang có những bước phát triển đáng kể. Trong đó, điểm nổi bật là chất lượng dịch vụ hành khách đang dần được nâng lên.

Xe buýt đang dần trở thành loại hình vận tải được nhiều hành khách Thủ đô lựa chọn
Ảnh: Hoàng Hà

Tiệm cận dần với nhu cầu ngày càng cao của người dân

Theo thống kê, hiện nay có tới gần 80% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội do các phương tiện cá nhân đảm nhiệm. Vì vậy, việc phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt luôn là chủ trương nhất quán của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội. Với ý nghĩa đó, thực hiện Đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã lập kế hoạch và mở mới nhiều tuyến buýt, tăng cường kết nối các tuyến buýt, đặc biệt kết nối với tuyến buýt nhanh (BRT), góp phần hoàn thiện mạng lưới xe buýt. Các tuyến mở mới đã mở rộng vùng phục vụ đến toàn bộ 30 quận, huyện của Hà Nội, không còn vùng trắng xe buýt; đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân ngoại thành vào trung tâm thành phố, giảm áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, được người dân và chính quyền nơi có tuyến buýt đi qua ủng hộ, đánh giá cao.

Cùng với đó, việc điều hành và công nghệ phục vụ quản lý điều hành cũng có nhiều đổi mới hiện đại, thuận lợi. Hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ cũng được tăng cường. Đặc biệt, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ và tiện ích cho hành khách đã được triển khai và phát huy hiệu quả. Chỉ tính riêng trong năm 2017 vừa qua, Tổng công ty đã phối hợp Sở Giao thông vận tải Hà Nội mở mới 17 tuyến buýt (chưa bao gồm tuyến xe buýt nhanh - BRT). Đến nay, cơ bản các tuyến mới đang dần đi vào hoạt động ổn định, chất lượng phục vụ tốt, sản lượng hành khách tăng dần theo thời gian. Bằng chứng cụ thể là sau nhiều năm sản lượng hành khách sử dụng xe buýt chững lại thì nay đã bắt đầu phục hồi và có dấu hiệu tăng trưởng với sản lượng vé lượt tăng 3,1% so với năm 2016; khách vé tháng đi thường xuyên tăng 3,7% trong sáu tháng cuối năm 2017… Qua khảo sát, hành khách ngày càng đánh giá cao chất lượng dịch vụ của loại hình xe buýt.

Chị Nguyễn Minh Anh ở quận Hà Đông cho biết: “Do cơ quan công tác ở quận Cầu Giấy nên tôi đã thường xuyên có thói quen đi làm bằng xe buýt. Phải nói là trong khoảng 2 năm trở lại đây, chất lượng loại hình này đã được cải thiện rõ rệt. Phương tiện được đầu tư mới, nhân viên phục vụ có thái độ văn minh, lịch sự. Nhà tôi có 4 người thì có đến 3 người thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm, đi học”.

Được biết, chỉ tính từ năm 2016 đến hết tháng 5/2018, Hà Nội đã tiến hành mở mới, điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, mạng lưới xe buýt với 112 tuyến xe buýt đã bao phủ khắp 411 xã, phường, thị trấn trên tổng số 584 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô (tăng 20% so với năm 2015). Mạng lưới tuyến xe buýt này, cơ bản đáp ứng được phần nào nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Mới đây, trao đổi tại buổi làm việc đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025; ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị vận tải hành khách trong triển khai nhiều giải pháp, từ đào tạo con người cho tới đổi mới phương tiện, ứng dụng thông tin, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng của thành phố.

Cần tiếp tục có sự đầu tư toàn diện, đồng bộ

Tuy đã có những bước chuyển biến đáng kể cả về diện rộng của hệ thống tuyến buýt và chất lượng dịch vụ song nhìn chung, sự phát triển của dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội chưa thực sự tương xứng với nhu cầu thực tế của khách hàng. Bởi đến nay, dịch vụ mạng lưới xe buýt dù được cải thiện nhưng chưa theo kịp đòi hỏi của người dân. Hạ tầng, luồng tuyến thường bị xáo trộn, ảnh hưởng kết nối giữa các tuyến. Mạng lưới tuyến mới chỉ dừng lại ở các tuyến trục, thiếu các tuyến buýt gom sử dụng xe nhỏ kết nối các khu vực đông dân cư mà xe buýt hiện nay chưa tiếp cận được… Mặt khác, do mạng lưới tuyến còn thiếu ổn định, một số tuyến còn chưa hợp lý về lộ trình, độ dài, chưa hấp dẫn người đi xe; biểu đồ vận hành xe thường xuyên phải đối mặt nguy cơ bị phá vỡ do ùn tắc giao thông trên tuyến.

Bên cạnh đó, hạ tầng của xe buýt trên địa bàn Thủ đô cũng chưa được cải thiện nhiều. Ngoài 16 km làn đường riêng dành cho xe buýt nhanh (BRT), thì toàn bộ các tuyến xe buýt còn lại đều không có làn đường riêng để hoạt động, mà phải chạy chung làn đường với các phương tiện khác. Việc thi công nhiều công trình trên các trục giao thông chính khiến nhiều tuyến xe buýt phải thay đổi lộ trình. Toàn thành phố có hơn 3.000 điểm dừng xe buýt, nhưng chỉ có 370 điểm dừng bố trí nhà chờ có mái che, ghế ngồi (chiếm khoảng 12% tổng số điểm dừng). Công tác quản lý trật tự đô thị còn nhiều hạn chế, tình trạng vỉa hè, nhà chờ, điểm đỗ xe buýt bị chiếm dụng khá phổ biến, cản trở người dân tiếp cận với xe buýt. Chia sẻ thông tin với báo chí, ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết: Cùng với những khó khăn về hạ tầng giao thông, giá vé xe buýt cũng đang giảm khả năng cạnh tranh so với một số loại hình phương tiện giao thông công cộng mới ra đời như grab taxi, grab bike…, nhất là khi hành khách di chuyển trong cự ly ngắn. Đây đang là “bài toán” đặt ra đối với loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Trước thực tế trên, để xe buýt tiếp tục có những bước phát triển hiệu quả, bền vững góp phần giảm thiểu áp lực lên hạ tầng giao thông Thủ đô do gia tăng phương tiện vận tải cá nhân, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cần tiếp tục cải thiện mạng lưới tuyến theo hướng: hợp lý hóa lộ trình; kết nối với hệ thống buýt nhanh (BRT) và đường sắt đô thị; mở rộng vùng phục vụ tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khu công nghiệp, chung cư…). Đồng thời, tăng cường đầu tư thay thế các phương tiện đã cũ bằng các phương tiện có chất lượng cao hơn, dễ tiếp cận với hành khách và thân thiện môi trường; từng bước tăng vận tốc khai thác, đổi mới hình ảnh xe buýt theo hướng an toàn, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống tuyến xe buýt; trước hết là triển khai các dự án ứng dụng công nghệ vé thông minh phù hợp nhu cầu của hành khách…

Thực tế cho thấy, nhu cầu của hành khách Thủ đô đối với loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt là rất lớn. Thực hiện các giải pháp tổng thể và sự đầu tư toàn diện, đồng bộ sẽ là điều kiện cần thiết để xe buýt sớm trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân Thủ đô khi tham gia giao thông./.

Hoàng Mạnh Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN