Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
(ĐCSVN) – Đồng chí Sơn Minh Thắng nêu rõ: Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương luôn chú trọng công tác xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng và Nhà nước.
Hướng tới kỷ niệm 70 Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (07/11/1948 – 07/11/2018), phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối về ý nghĩa sự ra đời và những đóng góp của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trong 70 năm qua.
Phóng viên(PV): Xin đồng chí cho biết ý nghĩa sự ra đời và những đóng góp của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương thời kỳ đầu thành lập?
Đồng chí Sơn Minh Thắng: Như các đồng chí đã biết, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tiền thân là Liên chi cơ quan Trung ương được thành lập vào ngày 7/11/1948, tại Chiến khu Việt Bắc với 6 chi bộ và vài chục đảng viên công tác trong các cơ quan Trung ương. Sự ra đời của Liên chi các cơ quan Trung ương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng ở các cơ quan Trung ương, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để lãnh đạo toàn quốc cuộc kháng chiến, chống đế quốc xâm lược và bọn tay sai, tiến tới giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên tham mưu cho Đảng, Chính phủ hoạch định chính sách, đào luyện cán bộ và tổ chức học tập lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hai nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ tập trung lãnh đạo, đó là thực hiện chỉnh huấn, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ và kiểm tra công tác đảng, sinh hoạt chi bộ. Việc huấn luyện cán bộ của Đảng bộ lúc này không chỉ dừng lại ở việc huấn luyện cán bộ trong Đảng bộ mà còn mở rộng đến cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã vì Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chính quyền ở cấp cơ sở là nơi trực tiếp đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, đòi hỏi cán bộ địa phương phải thông thạo mọi nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, nhiều lớp cán bộ, đảng viên của Đảng đã được đào tạo, bồi dưỡng và có những đóng góp lớn cho cách mạng. Thông qua đó, Đảng bộ đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta.
PV: Sau 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Khối đã rút ra bài học kinh nghiệm gì để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, thưa đồng chí?
Đồng chí Sơn Minh Thắng: Để tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Đảng bộ, chúng tôi đã tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả công tác, đặc biệt đã tiến hành tổng kết và biên tập lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1948-2018. Qua đó, chúng tôi đã rút ra năm bài học quý giá để làm kinh nghiệm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ trong thời gian tiếp theo, trong đó, nổi bật là:
Một là, luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị của tổ chức đảng.
Hai là, phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, phát huy dân chủ; chú trọng công tác cán bộ, đặc biệt là phải tập trung nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Ba là, phải thực sự coi trọng công tác chính trị tư tưởng là mặt trận hàng đầu, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy phải đi đầu trong thực hiện công tác chính trị tư tưởng; tập trung nâng cao chất lượng chi bộ, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng.
Bốn là, đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng phù hợp với đặc thù từng loại hình tổ chức đảng và nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Tăng cường giám sát, chủ động phát hiện vấn đề, kiểm tra và xử lý kịp thời các dấu hiệu vi phạm. Lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm, tháo gỡ những khó khăn, bất cập và vướng mắc trong thực tiễn.
Năm là, chủ động phối hợp với ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan Trung ương trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị và đoàn thể vững mạnh.
Đảng ủy Khối đã chú trọng việc tuyên truyền những cá nhân, tập thể điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng
PV: Để phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở các cơ quan Trung ương, xin đồng chí cho biết những giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương theo Quy định của Trung ương?
Đồng chí Sơn Minh Thắng: Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có vị trí là tổ chức Đảng của cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của hệ thống chính trị và sự phát triển của cả nước. Đảng bộ Khối có 64 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với trên 5.400 chi bộ và gần 7 vạn đảng viên, trong đó có nhiều đồng chí giữ vai trò, trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các ban, bộ, ngành ở Trung ương. Do vậy, làm tốt việc nêu gương ở Đảng bộ Khối sẽ tạo sức lan tỏa không chỉ trong Đảng bộ mà còn tác động tích cực đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
Nhận thức rõ điều đó, từ khi thành lập cho đến nay, Đảng bộ Khối luôn chú trọng công tác xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên đi đôi với nâng cao năng lực công tác của cán bộ, đảng viên để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng và Nhà nước. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ cần nhận thức đầy đủ vinh dự cũng như trách nhiệm của mình, chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, từ đó tham mưu những chủ trương, chính sách hợp lòng dân, có tính thực tiễn cao. Trong đó đặc biệt phải nói đến vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Việc nêu gương phải thông qua hành động làm gương để thuyết phục, trước tiên là đồng chí, đồng nghiệp noi theo, sau đến là tạo ra văn hóa nêu gương để mỗi đảng viên là một tấm gương, không còn chỗ cho cái xấu, tiêu cực có cơ hội xuất hiện. Nội dung nêu gương trước hết phải mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, thượng tôn pháp luật, hết lòng, hết sức về công việc, tất cả vì lợi ích của nhân dân, luôn tự rèn luyện, nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ những yêu cầu nêu trên, Đảng ủy Khối đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm để thực hiện nghiêm Nghị quyết của Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa X), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó tập trung cao vào việc triển khai thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tình hình hiện nay, gắn với thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ đảng viên Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương ban hành theo Quyết định 1049-QĐ/ĐUK của Ban Thường vụ Đảng bộ Khối.
Cấp ủy các cấp thực hiện đăng ký việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy bằng những việc làm cụ thể để vừa phát huy được ưu điểm, vừa khắc phục được hạn chế, khuyết điểm. Thực hiện tốt quy trình đánh giá, phân loại đảng viên, công chức, viên chức hàng năm gắn với nội dung nêu gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt phương châm nêu gương bằng hành động, nói ít, làm nhiều; nói đi đôi với làm; xây dựng tác phong quần chúng, giản dị gắn với nêu gương.
Xây dựng việc nêu gương thành văn hóa nêu gương trong tất cả các cơ quan, đơn vị, lấy hành động nêu gương là chủ thể để xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Một số cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa thành chuẩn mực đạo đức để thực hiện việc nêu gương, đồng thời giúp cho đồng chí, đồng nghiệp tham gia, giám sát, góp ý việc nêu gương của đảng viên làm lãnh đạo, quản lý. Cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt công tác phối hợp, đánh giá toàn diện việc nêu gương của cán bộ ở cơ quan và ở nơi cư trú.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương từ công tác tuyên truyền đến việc cụ thể hóa nội dung nêu gương theo chuẩn mực đạo đức. Trong đó, chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát để nêu cao tính chủ động trong việc nêu gương. Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình để làm cho việc nêu gương được thực hiện thường xuyên, tạo được sự lan tỏa trong tập thể, cơ quan, đơn vị.
Sắp tới, sau khi được Trung ương quán triệt, triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương mà Hội nghị Trung ương 8, (khóa XII) vừa quyết nghị, Đảng ủy Khối căn cứ vào điều kiện thực tế sẽ triển khai quyết liệt với tinh thần chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn, đồng thời sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cấp ủy trực thuộc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo hướng dẫn của Trung ương và theo điều kiện cụ thể của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương./.