Phát huy vai trò Mặt trận, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhân dân
(ĐCSVN) – Lưu ý 10 nhiệm vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của công tác Mặt trận mà Đại hội XIII của Đảng đã nêu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; giám sát, phản biện xã hội phải phát huy vai trò của MTTQ xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhân dân.
Sáng 2/3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác Mặt trận năm 2021.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng cùng hơn 2.000 đại biểu đến từ 63 điểm cầu trên cả nước.
Quang cảnh Hội nghị. |
Tập trung cao độ để triển khai công tác bầu cử
Trình bày chương trình phối hợp hành động triển khai nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2021, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Trước hết, từ nay đến ngày bầu cử, Ủy ban MTTQ các cấp tập trung cao độ để triển khai thực hiện nhiệm vụ Mặt trận tham gia bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. MTTQ Việt Nam tham gia công tác này với 6 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có việc Ban Thường trực Ủy ban MTTQ chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử…
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. Cùng với đó, thực hiện quyền giám sát việc bầu cử thông qua việc cử đại diện của Ủy ban MTTQ tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, HĐND hoặc tự mình tổ chức các đoàn giám sát thực hiện các công việc bầu cử.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hầu A Lềnh, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận là tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đảm bảo về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND; trong quá trình thực hiện phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận.
Trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử thuộc khối MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp, cần cân nhắc đến yếu tố trẻ tuổi để cử tri dễ đồng thuận trong quá trình bỏ phiếu hoặc có biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật trong quá trình vận động bầu cử để tăng khả năng trúng cử…
Ngoài ra, cần quan tâm đến người ứng cử ĐBQH là dân tộc thiểu số và tôn giáo, đây là trách nhiệm chính trị chung của hệ thống chính trị, của Hội đồng bầu cử quốc gia và của MTTQ. Bởi thực tiễn cho thấy việc sắp xếp những người ứng cử là các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các nhân sĩ, trí thức trong cùng một đơn vị bầu cử với các cơ cấu thành phần khác đã bộc lộ nhiều bất cập, cần thiết phải có tính toán bố trí khoa học để đảm bảo có một tỷ lệ nhất định những người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, trí thức trong Quốc hội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị ở điểm cầu Trung ương. |
Bên cạnh nhiệm vụ bầu cử, năm 2021, MTTQ cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội; phát huy vai trò nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước…
Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến đến từ MTTQ địa phương đều cho rằng, từng năm, Mặt trận nên đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nhất để tập trung triển khai, đặc biệt năm 2021 cần tính đến bối cảnh còn dịch COVID-19, ưu tiên cho công tác bầu cử, công tác giám sát và vận động nhân dân thực hiện mục tiêu kép…
Cán bộ nào chi sai thì phải xử phạt nghiêm minh
Phát biểu chỉ dạo Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Mặt trận là triển khai quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp. Trước mắt, tiếp tục động viên, khích lệ Nhân dân thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục chăm lo tốt hơn đời sống của Nhân dân, nhất là các địa phương bị dịch bệnh, thiên tai, lũ quét, sạt lở đất. Tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí, khát vọng, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. |
Cụ thể, về các cuộc vận động ủng hộ người nghèo, phòng chống dịch COVID-19, phải bảo đảm hiệu quả, công khai, tránh thất thoát, không được để xảy ra tiêu cực, Mặt trận không được “tiêu” dù chỉ một đồng, cán bộ nào chi sai thì phải xử phạt nghiêm minh theo pháp luật...
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tới đây, Mặt trận các cấp sẽ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phải nghiên cứu kỹ, đề ra được nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cho sát thực. Phải thể hiện cụ thể làm gì, làm như thế nào, đúng chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận. Bên cạnh những điểm mới về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước, những đột phá về thể chế, về tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, về kinh tế số, xã hội số, về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin…
Lưu ý 10 nhiệm vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của công tác Mặt trận mà Đại hội XIII của Đảng đã nêu ra, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua có trọng tâm, trọng điểm; giám sát, phản biện xã hội phải phát huy vai trò của MTTQ để xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhân dân...
Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta…./.