Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy vai trò hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai

Thứ Sáu, 15/12/2023 15:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, quá trình triển khai thực hiện cho thấy việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thúc đẩy thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đồng thời chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực giữa các đơn vị trong Văn phòng đăng ký đất đai theo yêu cầu nhiệm vụ.

Ngày 15/12, tại Vĩnh Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến về tổng kết Văn phòng Đăng ký đất đai năm 2023.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ cùng các Bộ, ngành và UBND các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc thành lập, kiện toàn và hoàn thiện hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai. Đến nay, cả nước đã có 61/63 tỉnh, thành phố thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp trực thuộc Sở TN&MT.

 Hội nghị trực tiếp và trực tuyến về tổng kết Văn phòng Đăng ký đất đai năm 2023. Ảnh: Trường Giang

Bên cạnh đó, để Văn phòng Đăng ký đất đai hoạt động tốt phải đảm bảo rất nhiều nội dung công tác quản lý Nhà nước trong Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất như: công tác thống kê, kiểm kê; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; cải cách thủ tục hành chính đất đai… Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận thêm về một số hoạt động về quản lý Nhà nước có liên quan tới hoạt động của Văn phòng Đăng ký.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Ngô Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai thông tin, đến nay, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với 678 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên phạm vi 705 đơn vị hành chính cấp huyện; còn lại 2 tỉnh chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Phú Thọ.

Theo ông Hiếu, quá trình triển khai thực hiện trong thực tiễn cho thấy việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thúc đẩy thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đồng thời chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực giữa các đơn vị trong Văn phòng đăng ký đất đai theo yêu cầu nhiệm vụ.

Điển hình như: giảm được 16 thủ tục hành chính (từ 48 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai xuống còn 32 thủ tục); Thời gian thủ tục đăng ký và cấp GCN giảm từ 5 - 25 ngày so với trước đây; thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định; nguồn thu bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí do Văn phòng đăng ký đất đai trực tiếp thu hoặc chuyển cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước để thu theo quy định cho ngân sách nhà nước liên tục tăng.

Việc thành lập và đi vào hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai có nhiều ưu điểm, là tổ chức dịch vụ công hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, đáp ứng các hoạt động dịch vụ, trong đó có đăng ký đất đai, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, là nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Văn phòng đăng ký đất đai trong quá trình hoạt động cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: Pháp luật chưa có độ mở tạo tính linh hoạt, chủ động, theo tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm để quy định cơ cấu tổ chức (thời gian giải quyết thủ tục hành chính là như nhau giữa các địa phương, số lượng phòng, ban chuyên môn trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho biết, trong thực tiễn hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai tại địa phương có rất nhiều kết quả tích cực như: đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ địa chính, từng bước tạo sự hài lòng của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần có đánh giá, tháo gỡ để nâng cao hiệu quả của Văn phòng Đăng ký.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ cấu tổ chức, cơ sở làm việc, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt công tác đăng ký đất đai, cấp GCN; đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho hoạt động của các Văn phòng Đăng ký đất đai, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… để nâng cao hiệu quả của các Văn phòng./.

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN