Phát huy vai trò, hiệu quả công tác giám sát thực hiện Chương trình MTQG
(ĐCSVN) - Phát huy hiệu quả công tác giám sát sẽ góp phần tạo sự thống nhất trong tư tưởng, nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được đầu tư gần 195 tỷ đồng để thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc diện thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây viết tắt là Chương trình).
Với lượng vốn đầu tư khá lớn đổ vào địa bàn như thế nên công tác giám sát Chương trình luôn được địa phương quan tâm thông qua phát huy vai trò của các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Tương tự như ở Yên Sơn, các địa phương đang thực hiện Chương trình đều đề cao và phát huy vai trò, hiệu quả công tác giám sát đầu tư của cộng đồng.
Phát huy vai trò, hiệu quả công tác giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ góp phần công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện công trình, dự án bằng nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Giám sát đầu tư của cộng đồng là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn cấp xã nhằm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình đầu tư; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về đầu tư (trừ các chương trình, dự án bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật).
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là một thiết chế ở cơ sở. Thành viên của Ban là những người hiểu biết pháp luật, nhiệt tình với công việc và có uy tín với người dân, do các hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố bầu ra.
Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện vi phạm, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng kiến nghị với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cùng cấp và báo cáo Đảng ủy, UBND xã để giải quyết kịp thời, giúp chính quyền khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành, ngăn chặn hành vi sai phạm.
Việc các địa phương chú trọng phát huy vai trò, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình là một nội dung trong Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ (Ban Thường trực) và Ủy ban Dân tộc.
Theo ông Vũ Đăng Minh - Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai thực hiện Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình thuộc Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Đoàn Khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng khảo sát tại các huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Trùng Khánh để xây dựng mô hình điểm thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (Ảnh: Quang Chuẩn) |
Giai đoạn 2021 - 2023, Ban Thường trực đã chỉ đạo xây dựng, ban hành 50 văn bản liên quan đến công tác triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình.
Ban Thường trực đã giao cho các ban tham mưu biên soạn, phát hành 2.000 cuốn tài liệu hỏi - đáp phát hành nội bộ về công tác dân tộc của MTTQ và xuất bản trên 19 nghìn cuốn chuyển tới 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn cả nước, trong đó có nội dung giới thiệu và hướng dẫn quy trình giám sát về Chương trình.
Căn cứ kế hoạch và tài liệu hướng dẫn của Ban Thường trực, Ủy ban MTTQ 52 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã xây dựng kế hoạch giám sát trên địa bàn. Trong đó 25/52 tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát Chương trình.
Nội dung chủ yếu tập trung vào giám sát công tác triển khai thực hiện; giám sát việc phân bổ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác thuộc Chương trình; giám sát việc xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng Chương trình.
Về hình thức giám sát, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN lựa chọn 4 hình thức chủ yếu gồm: Tổ chức đoàn giám sát; Nghiên cứu, xem xét báo cáo của đối tượng giám sát; Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án tại cơ sở; Tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Nam, Phú Yên, An Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Cao Bằng được đánh giá là tiêu biểu trong thực hiện công tác giám sát Chương trình.
Đối với công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, Ban Thường trực đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập 5 chuyên đề để tập huấn triển khai thực hiện và giám sát Chương trình. Trong 5 chuyên đề đó, có một chuyên đề liên quan đến công tác giám sát Chương trình.
Trên cơ sở đó, Ban Thường trực đã chỉ đạo xây dựng 7 kế hoạch và phối hợp tổ chức tập huấn triển khai, thực hiện, hướng dẫn giám sát Chương trình tại Hà Nội bằng hình thức trực tuyến và tại các tỉnh: Lạng Sơn, Nghệ An, Tuyên Quang, Gia Lai, Trà Vinh và Quảng Nam cho gần 900 cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở của 52 tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS&MN.
Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 4 cuộc hội thảo cấp khu vực tại các tỉnh: Tuyên Quang, Quảng Trị, Kiên Giang, Lâm Đồng về chủ đề: Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện và giám sát Chương trình. Các cuộc hội thảo này đã thu hút hàng trăm cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia.
Về phía Ban Dân chủ - Pháp luật đã tham mưu xây dựng báo cáo của Ban Thường trực tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân về việc triển khai thực hiện và giám sát Chương trình.
Ban Dân tộc xây dựng kế hoạch và kiểm tra thực hiện, giám sát Chương trình tại Trà Vinh và Quảng Nam - ông Vũ Đăng Minh cho biết thêm.
Theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ để triển khai thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình./.