Phát huy vai trò của phụ nữ, nữ doanh nhân trong phát triển xanh và bền vững
(ĐCSVN) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài mong muốn Hội Phụ nữ 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, đặc biệt là nữ doanh nhân trong phát triển xanh và bền vững.
Sáng 5/7, Diễn đàn kết nối và giao lưu nữ doanh nhân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia với chủ đề "Nữ doanh nhân và kinh tế xanh" đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài mong muốn Hội Phụ nữ 3 nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, đặc biệt là nữ doanh nhân trong phát triển xanh và bền vững. Đặc biệt, Diễn đàn kết nối và giao lưu nữ doanh nhân 3 nước sẽ là dịp để các đại biểu tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, của nữ doanh nhân vào phát triển kinh tế xanh và bền vững; phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ, đặc biệt là nữ doanh nhân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. |
"Tham gia phát triển kinh tế xanh có nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng nhất. Cùng với nỗ lực chung của cộng đồng doanh nhân, nữ doanh nhân là lực lượng không thể tách rời trong chiến lược tăng trưởng xanh, góp phần kiến tạo một hệ sinh thái tăng trưởng bền vững", Trưởng ban Dân vận Trung ương nói.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ, đặc biệt là nữ doanh nhân 3 nước, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài đề nghị: Hội Phụ nữ 3 nước sẽ tích cực phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và hỗ trợ hội viên, phụ nữ về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực hiện vai trò kết nối các nữ doanh nhân với Chính phủ, chính quyền các cấp, giữa các nữ doanh nhân ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nữ của 3 nước tiếp tục tiên phong, chủ động áp dụng các biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh phù hợp với các nhóm nhiệm vụ chiến lược về giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Hội LHPN Việt Nam, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất và triển khai các sáng kiến, hoạt động chung nhằm phát huy vai trò của nữ doanh nhân và Hội Phụ nữ đóng góp thực chất, hiệu quả vào phát triển kinh tế xanh và bền vững, qua đó góp phần tích cực củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, phát triển xanh và bền vững đang là xu thế chung của toàn cầu và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có sau đại dịch CPVOD-19 và sự suy giảm nghiêm trọng của chất lượng môi trường, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.
Trong bối cảnh đó, phát triển xanh được coi là giải pháp căn cơ để góp phần xử lý hài hòa giữa một bên là yêu cầu phát triển kinh tế và một bên là nỗ lực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu nguy cơ thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của mỗi quốc gia. Với các nước, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cùng đại diện Hội Phụ nữ và doanh nhân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại Diễn đàn. |
Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đóng góp vào phát triển xanh, bao trùm và bền vững. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy hiện nay vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh vẫn chưa được ghi nhận và phát huy đầy đủ do những định kiến về giới.
Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nữ là một lực lượng quan trọng trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, là một phần không thể tách rời trong Chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước. Các cơ quan, tổ chức, nhất là các tổ chức đại diện cho doanh nhân, nữ doanh nhân, trong đó có Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam với vai trò là tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động, sáng kiến nhằm phát huy vai trò của doanh nhân, nữ doanh nhân trong kinh tế xanh.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào Ali Vungnobountham, việc tạo sự vững mạnh cho phụ nữ về kinh tế gắn với môi trường, góp phần tăng thu nhập, nghề nghiệp ổn định cho phụ nữ, giảm thiểu kẽ hở về vai trò nam – nữ, các vấn đề bạo lực trong gia đình, xã hội, khuyến khích về dinh dưỡng tốt, an toàn thực phẩm và bảo tồn bản sắc văn hóa của phụ nữ, góp phần làm cho một số phụ nữ trở thành tấm gương điển hình trong toàn xã hội.
“Tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau bàn bạc kế hoạch hợp tác, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau vì sự nghiệp phát triển phụ nữ, khuyến khích nữ doanh nhân và kinh tế xanh, khuyến khích bình đẳng nam – nữ, đầu tư vào kinh doanh vừa và nhỏ cho phụ nữ”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào chia sẻ.
Tại diễn đàn, Quốc vụ khanh Bộ Các vấn đề Phụ nữ Campuchia Kyong Sorita bày tỏ, thông qua diễn đàn có thể học hỏi thêm kinh nghiệm, trao đổi quan điểm và xây dựng kế hoạch hành động chung giữa các hội phụ nữ và doanh nhân nữ ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia để đạt được mục tiêu “Kinh tế xanh”.
Hiệp hội Phụ nữ vì Hòa bình và Phát triển Campuchia sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với phụ nữ ở Việt Nam, Lào, các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm cả khu vực tư nhân; hành động có trách nhiệm trong phát triển xanh và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trồng cây tại các vùng bị suy thoái, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên rừng, động vật hoang dã trong rừng, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu để phụ nữ có thể được hưởng lợi một cách tích cực, công bằng và thân thiện với môi trường./.