Phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về công tác dân vận và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với người dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN) |
Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân thành các văn bản pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Những nỗ lực đó vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở, để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp để phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đảng dựa vào nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ, chủ trương, đường lối của Đảng. Nhân dân có quyền góp ý, kiến nghị đối với tổ chức đảng và chính quyền, phát hiện yếu kém, khuyết điểm của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”; hoặc tổ chức để nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động của các cấp, các ngành, đối thoại, tiếp công dân, tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị, phản ánh chính đáng của nhân dân, trong đó có những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Các cuộc vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng,... đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trên cả nước. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng, gắn với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí đã tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Ngày 30-7-2020, Ban Dân vận Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 21/KHBDVTW “Về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; theo đó, Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến đại diện các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài, đội ngũ công nhân, nông dân, người lao động, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi.
Điều đó cho thấy sự công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị trong xây dựng văn kiện, nghị quyết của Đại hội, thể hiện được sự gắn bó mật thiết giữa “ý Đảng” với “lòng Dân”. Các góp ý của đại diện các tầng lớp nhân dân thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, nhân dân, đất nước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần cầu thị, dân chủ ngày càng cao của Đảng, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều này thể hiện được chiều sâu của sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng, phát huy tinh thần khối đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó, huy động trí tuệ toàn dân để xây dựng, hoàn thiện các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Các hình thức góp ý với Đảng và giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được chú trọng. Theo Kết luận số 54-KL/TW, ngày 9-5-2023 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; ở nhiều nơi đã hình thành nền nếp, thường xuyên, công khai, minh bạch việc thông tin, tổ chức để nhân dân tham gia thảo luận xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương hướng, nhiệm vụ công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị; động viên nhân dân tham gia giám sát hoạt động của tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên.
Các tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân; việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp được quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Nhiều vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện vi phạm đạo đức công vụ, văn hóa truyền thống được báo chí, phương tiện truyền thông xã hội phát hiện, phản ánh, lên án, đã giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú (thôn, xóm, tổ dân phố) đối với cán bộ, đảng viên trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên theo định kỳ được thực hiện nghiêm túc. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân là cách thức hữu hiệu để nhân dân giám sát việc thực hiện trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo.
Thông qua hoạt động của các tổ tự quản của nhân dân ở cơ sở, Ban thanh tra nhân dân, các tổ giám sát cộng đồng là cách thức quan trọng để nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để thực hiện nội dung này, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp để ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách trực tiếp, hiệu quả. Cùng với việc ban hành Hiến pháp năm 2013, nhiều quy định đã được sửa đổi, bổ sung để phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện nghiêm túc phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Những quy định này góp phần tăng cơ hội để nhân dân góp ý xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức để tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh đó, nhân dân gián tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các đại biểu do nhân dân bầu; thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nhân dân là người lựa chọn, bầu ra các đại biểu tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan dân cử. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để bầu ra những đại biểu ưu tú, tiêu biểu nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nhằm xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thông qua hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân gửi đến nghị trường Quốc hội, những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, những nội dung cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách, pháp luật,... đã được bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ, xử lý phù hợp; qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng như của các cơ quan dân cử.
Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cùng nhân dân tích cực tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo đúng chức năng, quyền hạn của cơ quan, đơn vị đó; tham gia giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền, những người công tác ở lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh vi phạm,...; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiều mặt trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát việc chấp hành và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng.