Phát huy vai trò của Học viện Kỹ thuật mật mã trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành cơ yếu Việt Nam
(ĐCSVN) - Học viện Kỹ thuật mật mã (trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ) có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Cơ yếu và nghiên cứu khoa học kỹ thuật mật mã để phục vụ yêu cầu phát triển của ngành Cơ yếu Việt Nam, đồng thời góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ yếu.
Trải qua chặng đường gần 50 năm xây dựng và phát triển, Học viện Kỹ thuật mật mã đã trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật mật mã và an toàn thông tin, là một trong tám trường trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin cho Chính phủ. |
Trải qua chặng đường gần 50 năm xây dựng và phát triển, Học viện Kỹ thuật mật mã đã trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật mật mã và an toàn thông tin, là một trong tám trường trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin cho Chính phủ; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao phục vụ ngành Cơ yếu, quốc phòng, an ninh và lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Kỹ thuật mật mã đào tạo chuyên sâu trình độ đại học bốn chuyên ngành: Kỹ thuật mật mã, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật điện tử viễn thông và đào tạo sau đại học hai chuyên ngành: Kỹ thuật mật mã và An toàn thông tin; bồi dưỡng cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhà nước về cơ yếu nghiệp vụ kỹ thuật mật mã cho một số vị trí, chức danh cán bộ theo chức trách nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền của Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ. Trong công tác nghiên cứu khoa học, Học viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật mật mã, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, chú trọng tổng kết thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện phục vụ trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học kỹ thuật mật mã, an toàn, an ninh thông tin của đất nước; chủ động tham mưu, đề xuất, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước về cơ yếu, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm xây dựng và phát triển, Học viện Kỹ thuật mật mã tự hào vì đã có nhiều đóng góp trực tiếp, quan trọng vào sự phát triển chung của Ban Cơ yếu chính phủ, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín và tạo động lực để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Kết quả nổi bật, tạo nền tảng cho sự phát triển đó chính là chất lượng công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ủy, lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sứ mệnh, tầm nhìn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, ngày 5/3/2020 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW đã xác định rõ vai trò, sứ mệnh đặc biệt quan trọng của Học viện trong chiến lược phát triển của Ngành Cơ yếu Việt Nam: “Xây dựng Học viện Kỹ thuật mật mã trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về kỹ thuật mật mã và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cơ yếu và nhu cầu cho lĩnh vực kinh tế - xã hội”. Nghị quyết bao gồm nhiều quan điểm, chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng về công tác cơ yếu, có giá trị như “kim chỉ nam” định hướng và chỉ đạo sâu sắc, toàn diện đến quá trình triển khai tổ chức thực hiện, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp đến, Học viện chủ động, sáng tạo trong nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng.Ban Giám đốc Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các khâu đột phá. Công tác giảng dạy được đổi mới về loại hình và phương pháp giảng dạy theo hướng biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, cập nhật về nội dung, chương trình đào tạo, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước, đa dạng hình thức đánh giá. Học viện đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, hoàn thiện học liệu số, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành kỹ thuật mật mã; Tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ giảng viên, rà soát cập nhật, xây dựng hệ thống giáo trình, bài giảng đào tạo chính khóa và bồi dưỡng ngắn hạn, chuẩn hóa các bài giảng điện tử, chú trọng đảm bảo chất lượng đầu ra trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, thực hiện tự đánh giá cơ sở giáo dục đại học, triển khai ứng dụng kết quả chuyển đổi số vào quá trình quản lý và đào tạo.
Những năm qua, Học viện Kỹ thuật mật mã luôn bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu đào tạo với lưu lượng mỗi năm trên 4000 lượt học viên, sinh viên Việt Nam và gần 200 học viên quốc tế đến từ các nước bạn Lào, Campuchia và Cuba. Điểm chuẩn đầu vào của Học viện thuộc nhóm trường top trên về kỹ thuật công nghệ, tỷ lệ sinh viên ra trường làm đúng chuyên ngành lên đến trên 90%. Trong số đó, rất nhiều sinh viên tài năng của Học viện Kỹ thuật mật mã vinh dự được nhận học bổng doanh nghiệp và đơn vị đối tác như: Học bổng tài năng lên đến gần 1 tỷ đồng của Samsung, học bổng của Quỹ đổi mới sáng tạo của tập đoàn Vingroup. Bên cạnh đó, Học viện luôn chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên toàn ngành Cơ yếu. Chỉ tính riêng năm học 2023 - 2024, Học viện đã tổ chức hơn 30 lớp đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng nhận cho hàng nghìn lượt cán bộ, nhân viên trong toàn ngành Cơ yếu Việt Nam và cán bộ cơ yếu các nước bạn Lào, Campuchia và Cuba; Học viện đã làm tốt công tác liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp và đơn vị đối tác, tổ chức cho sinh viên được tham gia các khóa học do Samsung tài trợ để cập nhật các công nghệ mới Big Data, AI và IoT. Các đội tuyển học viên, sinh viên của Học viện Kỹ thuật mật mã tham dự các cuộc thi đều đạt thành tích rất cao, tạo tiếng vang lớn trong khu vực và quốc tế: Giải nhất Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin Asean 2024; Giải nhất Cuộc thi quốc tế tại Hàn quốc do tập đoàn PWC tổ chức. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Kỹ thuật mật mã không ngừng được nâng lên, vừa đảm bảo tính thống nhất hệ thống, tính khoa học, tính thực tiễn, vừa hiện đại, cập nhật gắn với các phong trào thi đua với quan điểm: Lấy đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển, học viên, sinh viên là trung tâm, đội ngũ giảng viên là chủ thể quyết định, chất lượng đào tạo là then chốt, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, giữa đào tạo với thực tiễn.
Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Học viện Kỹ thuật mật mã luôn được đặc biệt chú trọng, có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, phạm vi và chất lượng. Nội dung nghiên cứu khoa học được định hướng tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách đặt ra, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, hiện đại và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia. Công tác nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và tổ chức các hội nghị khoa học quy mô quốc gia và quốc tế đã có những bước tiến lớn, khẳng định rõ uy tín, giá trị thương hiệu của Học viện và tạo được hiệu ứng truyền thông rộng rãi. Chỉ tính riêng năm 2024, Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Hội thảo UEC Đông Nam Á lần thứ 11 và Hội thảo chuyên ngành UEC lần thứ 6; Hội nghị Khoa học quốc tế KSE lần thứ 15; Hội thảo An ninh mạng và mật mã trong nền an ninh quốc gia. Hình thức tổ chức hội thảo luôn được đổi mới, với chất lượng ngày càng nâng lên, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo của đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước, các kết quả nghiên cứu khoa học đã được xã hội hóa thành nhiều công trình tài liệu chuyên khảo, tham khảo. Bên cạnh đó, những năm qua, Học viện đã chủ trì triển khai nhiều đề tài khoa học cấp Quốc gia, cấp Ban, cấp cơ sở. Chỉ riêng năm 2024 đã có 4 đề tài cấp Ban, 20 đề tài cấp Học viện được thực hiện, 108 bài báo được đăng trên tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có tới 20 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế. Cùng với đó, phong trào nghiên cứu khoa học trong học viên, sinh viên cũng được quan tâm đồng bộ và ngày càng phát triển mạnh mẽ, có tới 37 đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai năm 2024, trong đó có 11 đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải. Đặc biệt, năm 2024 ghi dấu ấn đáng tự hào khi Giám đốc Học viện đã đạt Giải Nhì giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam lần thứ 29.
Song song với đó, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước được Ban Giám đốc Học viện xác định là yếu tố quan trọng để tăng cường nguồn lực và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, mở ra nhiều cơ hội được trao đổi và học tập cho giảng viên và sinh viên, học viên. Học viện đã ký kết thỏa thuận trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều đối tác lớn như Đại học Điện tử truyền thông Nhật Bản JVC, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Đại học Lorraine (UL). Thông qua các chương trình hợp tác, các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh của Học viện đã có cơ hội tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng tại các phòng Lab, nhờ đó trình độ và năng lực nghiên cứu không ngừng được nâng cao.
Nhằm phục vụ công tác đào tạo và quản lý đào tạo, Học viện đã không ngừng đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước. |
Các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của Học viện luôn bảo đảm định hướng nhiệm vụ chính trị của ngành Cơ yếu và phục vụ hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện, đồng thời, góp phần quan trọng cung cấp các luận cứ khoa học vào xây dựng các báo cáo kiến nghị trình Ban Cơ yếu Chính phủ, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị những vấn đề quan trọng liên quan đến công tác cơ yếu, an toàn, an ninh quốc gia.
Để đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số cũng được lãnh đạo Học viện đặc biệt quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng, phát triển con người toàn diện về phẩm chất đạo đức, chuyên môn kỹ thuật và năng lực tham mưu, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên tham gia các chương trình đào tạo sau đại học trong và ngoài nước. Nhờ đó, số lượng cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư và giáo sư của Học viện mỗi năm một gia tăng.
Nhằm phục vụ công tác đào tạo và quản lý đào tạo, Học viện đã đổi mới và phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số, trang bị các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến trong các phòng học, phòng nghiên cứu thí nghiệm phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy và tự học như hệ thống máy tính, hệ thống camera quan sát, theo dõi tình hình học tập, nghiên cứu và giảng dạy từ xa để có cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động giảng dạy, học tập; xây dựng thông tin thư viện hiện đại tương xứng với quy mô, lưu lượng và chuyên ngành đào tạo, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy như thu, nộp, chấm bài tự động…
Những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị những năm qua đã khẳng định rõ vị thế, uy tín của Học viện Kỹ thuật mật mã, là nền tảng, động lực thúc đẩy Học viện phát triển. Tuy nhiên, bối cảnh mới hiện nay với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đã và đang đặt ra cho Học viện Kỹ thuật mật mã những yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi Học viện phải có những đổi mới mang tính đột phá, xác định đúng, trúng và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu tạo ra nhiều giá trị hơn nữa để ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của Học viện đối với sự phát triển của ngành Cơ yếu Việt Nam:
Một là, từng bước triển khai thực hiện mô hình Đại học quản trị thông minh, hướng tới quản trị đại học 4.0: Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng quy trình quản lý và ứng dụng CNTT cho tất cả các lĩnh vực của quá trình quản trị đại học và đào tạo, phù hợp với xu thế đổi mới; kết nối hệ thống hình thành hệ sinh thái học tập tích hợp hiện đại,đảm bảo an ninh, an toàn.
Hai là, tiếp tục tập trung nguồn lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo trên tất cả các mặt: chất lượng đội ngũ giảng viên; nội dung chương trình - giáo trình đào tạo; công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo; quy trình - phương thức và công nghệ quản lý đào tạo; phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Ngành Cơ yếu và khu vực kinh tế - xã hội. Chủ động và mạnh dạn đưa vào triển khai hệ sinh thái số đại học, triển khai đào tạo kết hợp trên nhiều nền tảng cả truyền thống và trực tuyến, phát huy tính chủ động sáng tạo và tư duy phản biện của người học. Định hướng đào tạo ra các phân lớp kỹ sư chuyên ngành có năng lực thực hành chuyên sâu, đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn; Triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế của Học viện để cải thiện chất lượng sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo.
Ba là, tập trung cho công tác đảm bảo chất lượng, khảo thí và đánh giá cơ sở đào tạo: Tất cả các quá trình quản lý của các lĩnh vực đều được kiểm soát và đánh giá, kiểm định chất lượng theo các tiêu chí cụ thể và phải đạt chuẩn; tiếp tục thực hiện kiểm định quốc gia các chương trình đào tạo theo kế hoạch và lộ trình cụ thể; đổi mới công tác khảo thí và kiểm tra đối với sinh viên đảm bảo khách quan công bằng, công khai và minh bạch, chính xác và chuẩn hóa.
Bốn là, chủ động tích cực hợp tác với các cơ sở đào tạo nghiên cứu trong và ngoài nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên và sinh viên tạo điều kiện khuyến khích công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín có chỉ số ISI, Scopus; nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện để tham gia giải quyết nghiên cứu các vấn đề trọng điểm của Ngành, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và phát triển đào tạo, đưa nghiên cứu, hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của Học viện.
Năm là, tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức, quản lý: Xây dựng các quy chế, quy định, quy chế nội bộ cho tất cả các lĩnh vực phù hợp với mô hình hoạt động nhằm phát huy tối đa nguồn lực, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật lao động và văn hóa đại học. Tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, hội nhập.
Sáu là, xây dựng môi trường đào tạo chính quy, hiện đại, giàu tính sư phạm, tương tác cao; gắn kết đào tạo với thực tiễn, đào tạo với nghiên cứu; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc giảng dạy nghiên cứu của đội ngũ giảng viên và sự chủ động, sáng tạo trong học tập của học viên-sinh viên.