Phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở xã miền núi khó khăn
(ĐCSVN) - Vượt qua điều kiện của một địa bàn miền núi khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, xã Ba Vinh (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đang tập trung xây dựng và phát huy tốt vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị để thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ba Vinh Phạm Văn Rạch, Ba Vinh là một xã miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên nhiều năm trước đây, xã luôn nằm ở top cuối của huyện Ba Tơ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị cũng như phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Ba Vinh xác định, hệ thống chính trị và công tác cán bộ chính là nhiệm vụ “then chốt” trong các nhiệm vụ then chốt để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị cũng như phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Do vậy, ngay sau Đại hội lần thứ XII (nhiệm kỳ 2015-2020) của Đảng bộ xã, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Huyện ủy Ba Tơ cũng như các phòng, ban chuyên môn của huyện, Đảng bộ xã Ba Vinh đã tập trung xây dựng Chương trình toàn khóa, hằng năm cụ thể hóa thành Nghị quyết nhiệm vụ năm cũng như xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện các mặt công tác trên các lĩnh vực, trong đó có công tác cán bộ.
Đến nay, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ xã, kinh tế địa phương tăng trưởng theo đúng định hướng, hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng và nâng cấp cơ bản khang trang; quốc phòng, an ninh được giữ vững; các hoạt động về văn hóa, giáo dục, y tế… có nhiều chuyển biến tích cực; vai trò của cấp ủy, nhất là các chi bộ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn được phát huy; hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số nhân dân trong xã được cải thiện rõ nét.
“Khác với các địa bàn đồng bằng hay những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, xã Ba Vinh từ nhiều năm trước luôn trong tình trạng khó khăn. Khó khăn trước hết là xuất phát điểm thấp về mọi mặt, từ trình độ dân trí đến cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư cho phát triển. Đặc biệt, đây là địa phương có đến trên 92% dân số là đồng bào dân tộc H’rê sinh sống, trình độ dân trí còn khá thấp, một số phong tục, tập quán văn hóa và sản xuất còn lạc hậu… Trong khi đó, cả xã hiện có gần 7.100ha đất tự nhiên nhưng chỉ có hơn 400ha đất sản xuất nông nghiệp. Bản thân nền nông nghiệp nhiều năm trước còn phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên. Đây chính là “điểm nghẽn” khiến Ba Vinh luôn nằm trong top cuối của huyện và tỉnh”- đồng chí Phạm Văn Rạch, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ba Vinh chia sẻ.
Do đó, giải pháp nào giúp Ba Vinh thoát khỏi khó khăn để vươn lên luôn là câu hỏi lớn được các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện Ba Tơ cũng như xã Ba Vinh đặt ra tại nhiều nhiệm kỳ Đại hội trước. “Tuy nhiên, mãi đến Đại hội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-20120, Ba Vinh mới tìm ra được lối đi cho riêng mình”- đồng chí Phạm Văn Rạch nhấn mạnh thêm.
Theo đồng chí Phạm Văn Rạch, trước thời điểm diễn ra Đại hội XII của Đảng bộ xã, qua nhiều lần thảo luận đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ xã, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy yêu cầu Ba Vinh phải tìm cho ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện của mình. Trên tinh thần gợi ý của Huyện ủy và các phòng, ban huyện, nhiều nội dung có tính đột phá, gợi mở hướng đi mới cho Ba Vinh đã nêu ra rõ ràng hơn. Đây chính là cơ sở để Đại hội thảo luận, thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho nhiệm kỳ phát triển hiện nay, trong đó có công tác cán bộ của xã.
Theo đánh giá chung của nhiều đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Ba Tơ, “cái khó đang bó cái khôn” của Ba Vinh chính là mặt bằng dân trí trong đồng bào H’rê còn khá thấp. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã đến các thôn cũng đa số là người đồng bào nên không dễ để chuyển tải, đưa các chủ trương mới của Đảng đi vào cuộc sống. Xác định đây là “nút thắt” cần phải tháo gỡ nên được sự hỗ trợ của Huyện ủy, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn để nâng cao đời sống nhân dân, Đảng ủy xã Ba Vinh đã tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và kiện toàn hệ thống chính trị đến tận thôn, làng.
Theo đó, từ giữa năm 2015, ngoài việc rà soát lại đội ngũ cán bộ thôn, làng, trong đó ưu tiên động viên và đưa những người có năng lực, uy tín, nhiệt tình để tham gia làm trưởng các thôn, làng, Đảng ủy xã Ba Vinh cũng phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ huyện rà soát, bổ sung quy hoạch, đưa đi đào tạo nhiều cán bộ của xã, trong đó chú trọng ưu tiên những cán bộ trẻ, nữ, đồng bào dân tộc có trình độ, phẩm chất chính trị để sau đào tạo, bồi dưỡng sẽ bổ sung vào lực lượng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, quản lý của xã.
Cũng trong thời gian từ giữa cuối năm 2015, tại huyện Ba Tơ nói riêng và nhiều địa bàn khó khăn của Quảng Ngãi nói chung, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng đã triển khai một số dự án tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho cơ sở; trong đó có Dự án 600 Phó chủ tịch xã tại các địa bàn khó khăn của tỉnh. Và qua quá trình thực hiện Dự án, xã Ba Vinh đã có 01 Phó Chủ tịch xã được giữ lại, bổ sung và giữ chức vụ chủ chốt của xã hiện nay.
Ngoài ra, qua rà soát để bổ sung quy quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đến nay 100% cán bộ, công chức của xã Ba Vinh (trong đó có 11 cán bộ và 12 công chức theo quy định) đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trung cấp chính trị trở lên. Cùng với đó, hiện cả xã còn có 24 cán bộ không chuyên trách làm việc tại xã và 39 cán bộ không chuyên trách là bí thư, trưởng thôn, trưởng Ban công tác Mặt trận các thôn, làng. Đội ngũ này đang tiếp tục từng bước được lựa chọn đưa đi bồi dưỡng hoặc lựa chọn đào tạo để bổ sung, xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa tới đây cho địa phương.
Riêng đối với hệ thống chính trị từ xã đến thôn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ba Vinh Phạm Văn Rạch cho biết, toàn xã có 13 thôn với 18 khu dân cư. Để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các địa bàn, Đảng bộ xã đã tập trung hướng mạnh về cơ sở, trong đó tại 13 thôn đều có chi bộ hoạt động. Ngoài các chi bộ thôn, trên địa bàn xã còn có 04 chi bộ cơ quan quân sự và trường học. Tổng số đảng viên sinh hoạt tại 17 chi bộ trực thuộc này là 273 đảng viên. Ngoài ra còn có 65 đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị giữ mối liên hệ nơi cư trú tại các địa bàn dân cư trong xã.
Ngoài tổ chức đảng, hiện 100% thôn trong xã đều có các tổ chức của hệ thống chính trị như Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể, hoạt động đều khắp và khá đồng đều. Các tổ chức này luôn bám sát, gần gũi với đời sống và sản xuất của người dân; kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền để tháo gỡ các khó khăn cho nhân dân; tập trung các nhiệm vụ hướng dẫn nhân dân sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa... trên địa bàn.
Nhận xét về hoạt động của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên tại xã Ba Vinh, đồng chí Huỳnh Hữu Duy, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Ba Tơ khẳng định: “Không chỉ từng bước được kiện toàn về mặt tổ chức mà hoạt động của hệ thống chính trị tại Ba Vinh đang từng bước đi vào chiều sâu, có chất lượng; được đổi mới cả nội dung và hình thức hoạt động. Cùng với tổ chức của mình, đội ngũ cán bộ, đảng viên tại đây cũng trưởng thành về mọi mặt, năng động, nhiệt tình và luôn bám sát quần chúng nhân dân, kịp thời nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tham mưu với cấp ủy, chính quyền xử lý tốt các vấn đề mới nảy sinh trên địa bàn. Đặc biệt, thông qua các nhiệm vụ được phân công phụ trách, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn đã tuyên truyền, động viên nhân dân tập trung lao động sản xuất, góp phần đưa kinh tế- xã hội xã Ba Vinh vượt qua khó khăn để từng bước vươn lên phát triển.
Năm 2017, tổng giá trị sản xuất của xã Ba Vinh đạt gần 52 tỷ đồng, đạt 76,64% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra, tăng 9%/năm so với đầu nhiệm kỳ. Trong đó, nông- lâm nghiệp đạt trên 35 tỷ đồng, tăng bình quân 69%/năm; thương mại- dịch vụ đạt gần 13 tỷ đồng, tăng bình quân 25%/năm; tiểu thủ- công nghiệp đạt hơn 3,1 tỷ đồng, tăng bình quân 6,2%/năm. Cùng với tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của Ba Vinh cũng chuyển dịch theo hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Cụ thể, lĩnh vực nông- lâm nghiệp chiếm 69% (năm 2015 chiếm 71,2%); tiểu thủ- công nghiệp chiếm 6,2% (năm 2015 chiếm 6%); thương mại- dịch vụ chiếm 25% (năm 2015 chiếm 22,8%). |