Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số

Thứ Năm, 04/10/2018 23:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cộng tác viên dân số là lực lượng có vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân số và là nhân tố quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền công tác dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng bên cạnh những mặt ưu việt thì cũng có những hạn chế nhất định; trong đó, đáng nói hơn cả là việc người nghe, người xem không thể tương tác, hỏi lại hay trao đổi để giải quyết các thắc mắc hay những nội dung chưa hiểu rõ, nhất là đối với những người có trình độ văn hoá chưa cao, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, các hoạt động truyền thông dân số - kế hoạch hoá gia đình của mạng lưới cộng tác viên dân số ở cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các kiến thức cơ bản cần thiết cho người dân.

Lợi thế của các cộng tác viên dân số là hầu hết đều là người địa phương, sống ở ngay trong cộng đồng, họ có thể hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm của từng đối tượng để lựa chọn cách thức trao đổi và truyền đạt các nội dung về dân số - kế hoạch hoá gia đình như thế nào cho phù hợp. Hơn nữa, các cộng tác viên dân số thường có mối quan hệ hàng xóm gần gũi với các đối tượng, nên có thể dễ dàng tạo được lòng tin đối với họ, do đó, đối tượng có thể trao đổi cởi mở, mạnh dạn nêu lên những thắc mắc, khó khăn để được cộng tác viên dân số giải đáp, giúp đỡ. Đối với mỗi cộng tác viên dân số, việc nắm rõ hoàn cảnh, đặc điểm của từng hộ gia đình tại khu dân cư là hết sức quan trọng bởi qua đó mới có cách tuyên truyền và vận động phù hợp. 

Cán bộ và cộng tác viên dân số xã Ea Đăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk)
 đến tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa
gia đình cho người dân trên địa bàn.(Ảnh:baodaklak.vn)

Có thể ví đội ngũ cộng tác viên dân số như những “chân rết”, “cánh tay nối dài” của ngành dân số. Gần dân, sát cơ sở, hiểu được các phong tục tập quán của người dân nên các cộng tác viên dân số đã phát huy tốt vai trò truyền thông, vận động nhân dân thực hiện các chính sách về dân số - kế hoạch hoá gia đình. Với phương châm tuyên truyền cặn kẽ, kiên trì, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”, họ đã hoạt động hiệu quả để đưa các chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình đến với nhân dân; vận động người dân từ chỗ chưa hiểu biết đến hiểu biết, rồi có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi có lợi cho bảo vệ sức khỏe. Không những thế, cộng tác viên dân số còn giúp chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy, cập nhật về tình hình dân số - kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng… để đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhất cho từng đối tượng trong từng giai đoạn tại địa phương.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số thời gian qua còn gặp không ít khó khăn. Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả, mỗi cộng tác viên dân số phải tốn không ít thời gian và công sức. Đặc biệt, ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, cộng tác viên dân số khá vất vả khi cất công đến tận nhà gặp đối tượng cần tuyên truyền. Có nhiều trường hợp, phải đi lại rất nhiều lần để gặp gỡ, giải thích, vận động, thuyết phục đối tượng. Đồng thời, họ còn phải thường xuyên sâu sát địa bàn để kịp thời cập nhật số liệu dân số kịp thời, chính xác. 

Khối lượng công việc không nhỏ, nhưng theo nhiều cộng tác viên dân số, chế độ đãi ngộ vẫn còn khá “khiêm tốn”. Theo quy định, hằng tháng, mỗi cộng tác viên dân số thôn, bản, tổ dân phố... được nhận chế độ phụ cấp từ nguồn chi Trung ương là 100 nghìn đồng; phần hỗ trợ còn lại tùy mức chi ngân sách của các huyện, thành phố. Từ tháng 8/2017, theo Quyết định 1125/QĐ-TTg, ngày 31-7-2017, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020, nguồn chi phụ cấp cho đội ngũ này thuộc “nhiệm vụ chi của vốn ngân sách địa phương”. Phụ cấp eo hẹp, nhiều trường hợp không đủ bù đắp chi phí đi lại để thu thập thông tin số liệu hay tuyên truyền, vận động... Chính vì vậy, hằng năm, tại nhiều địa phương, số cộng tác viên dân số thường xuyên có sự thay đổi, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động ở cơ sở.

Trong khi đó, công tác dân số ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết như: Quy mô, cơ cấu dân số thiếu ổn định và có sự khác biệt tại các địa phương, vùng miền; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, thậm chí có chiều hướng tăng trong những năm trở lại đây và chưa được khống chế; chất lượng dân số còn thấp…, trong khi việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của cộng tác viên dân số còn chưa theo kịp. Điều này đã cản trở không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong việc triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng tác viên dân số

Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra nhiệm vụ “kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số”; trong đó nêu rõ, cần “có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, bản, tổ dân phố”.

Một buổi tập huấn công tác chuyên môn cho cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình
tại huyện Nam Giang, Quảng Nam. (Ảnh:quangnam.gov.vn)

Để làm được điều này, việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên dân số đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển là hết sức cần thiết trong thời gian tới. Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của ngành y tế - dân số, các địa phương cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp thông tin, nói chuyện chuyên đề về công tác dân số với nhiều thành phần tham gia, trong đó có đội ngũ cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình ở các thôn, xóm, cụm dân cư… Ngoài việc cung cấp các kiến thức về dân số và phát triển, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản…cần đặc biệt chú trọng triển khai các nội dung, thông tin liên quan đến chính sách dân số hiện nay như thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng dân số như: sàng lọc trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh…Qua đó cung cấp, bổ sung thông tin, kiến thức, kỹ năng giúp cho đội ngũ cộng tác viên dân số tại các địa phương có thể triển khai lồng ghép, tuyên truyền và thực hiện đạt kết quả công tác dân số tại địa phương.

 Cùng với đó, lãnh đạo chính quyền các cấp, trong đó, ngành y tế - dân số cần tham mưu cấp thẩm quyền xây dựng mô hình tổ chức bộ máy phù hợp, ổn định nhằm tạo tâm lý, tư tưởng vững vàng cho đội ngũ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cơ sở, trong đó có đội ngũ cộng tác viên dân số, tập trung triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác tại địa phương.

 Mặt khác, cần có chế độ chính sách, hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng đối với đội ngũ làm công tác dân số, trước hết là ưu tiên hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản, các khu dân cư; đồng thời có chính sách khen thưởng kịp thời đối với những người làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về dân số - kế hoạch hóa gia đình để khuyến khích họ gắn bó lâu dài với công việc./.

Gia Hưng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN