Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy tối đa “cơ cấu dân số vàng” với sự phát triển của đất nước

Thứ Ba, 27/08/2024 11:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh, dự kiến bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2038, sẽ tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hệ thống chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội, việc làm.

Nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội “dân số vàng” thì sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, quy mô dân số năm 2023 của Việt Nam khoảng 100,3 triệu dân, tốc độ tăng dân số 0,84%. Số lượng và tỷ trọng dân số đang trong độ tuổi lao động chiếm gần 70% dân số, trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt về thể chất, tuổi thọ, trình độ văn hóa, sức khoẻ sinh sản; giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Tuy nhiên, quy mô dân số lớn cũng gây áp lực đối với hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường đô thị, nông thôn. Đáng chú ý, mô hình dân số Việt Nam đang có nghịch lý mức sinh thay thế ở miền núi cao hơn đồng bằng, nông thôn cao hơn thành thị, nhóm đối tượng nghèo nhất thường sinh nhiều con hơn so với các nhóm còn lại. Tỷ số giới tính khi sinh vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (104 - 106 bé trai trên 100 bé gái).

Theo Bộ Y tế, hiện nay, còn tồn tại những vấn đề dân số làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước và từng địa phương, như chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già là thách thức lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội; tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục.

Đáng lưu ý, chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế và một số nội dung quan trọng khác sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, với mục tiêu: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững” đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, "đầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển". Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 21 cho thấy, những thách thức đặt ra đối với công tác dân số và phát triển vẫn còn phức tạp, như: Mất cân bằng giới tính khi sinh, mức sinh thấp, di cư,…

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; Mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân; Nguồn lực chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản; Tổ chức, bộ máy làm công tác dân số thiếu thống nhất, liên tục thay đổi, biến động; Ngân sách Nhà nước chưa phân bổ riêng cho công tác dân số, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội.

Từ nghiên cứu mô hình dân số ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra một số vấn đề ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng dân số: Chi phí sinh hoạt, nuôi con tăng quá cao so với thu nhập của người lao động; thời gian làm việc quá dài; phụ nữ vừa phải làm việc nhà, vừa làm việc xã hội; môi trường không thân thiện với trẻ em…

Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 27/CT-TTg về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, trong đó yêu cầu Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện chính sách về dân số để duy trì mức sinh thay thế bền vững.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, trọng tâm là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững trên phạm vi cả nước phù hợp giữa các vùng, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Dân số.

Có thể thấy, công tác dân số và phát triển rất quan trọng khi tài nguyên con người sẽ thay thế tài nguyên thiên nhiên và nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển đất nước bền vững. Thành công của chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình trước đây cho thấy phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, toàn diện, thống nhất.

Những thách thức lớn đối với công tác dân số và phát triển hiện nay cho thấy sự suy giảm về nhận thức, hiểu biết một cách sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển; thiếu chỉ đạo thống nhất, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Việc giải quyết các thách thức của công tác dân số và phát triển cần có cách tiếp cận bao trùm chính sách về kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, giáo dục… hướng đến sự hài hoà, hợp lý của quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số giữa các vùng, miền.

Đối với thời kỳ dân số này, Việt Nam cần có chính sách hợp lý để phát huy tối đa “cơ cấu dân số vàng” đối với sự phát triển của đất nước. Chính sách dân số được quan niệm theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp tuỳ thuộc vào mục tiêu cần đạt được trong từng giai đoạn nhất định ở mỗi quốc gia. Có khá nhiều khái niệm về chính sách dân số, mỗi khái niệm có những đặc thù riêng, theo cách nhìn nhận riêng hoặc tùy theo tính cấp bách đối với việc điều chỉnh sự phát triển và di chuyển của dân cư.

Chúng ta có thể hiểu chính sách dân số như là những quy định về mặt pháp lý, những chương trình quản lý, điều hành và những hoạt động khác của Chính phủ nhằm vào việc thay thế hoặc sửa đổi xu hướng phát triển dân số trong thời điểm hiện tại có quan tâm tới lợi ích và sự sống còn của quốc gia. Đối với đặc điểm cụ thể của Việt Nam, chính sách dân số là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ của Việt Nam về công tác dân số.

Thực tiễn thời gian qua, chính sách dân số của nước ta đã có những thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trong quá trình thay đổi chính sách, đã có những điểm làm cho người dân hiểu chưa đúng hoặc cố tình hiểu sai, làm ảnh hưởng xấu đến những biến động về phát triển dân số và cơ cấu giới tính chung, điển hình như việc ra đời Pháp lệnh Dân số năm 2003. Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Quy định này đã khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con tùy theo khả năng tài chính cùng các điều kiện khác để thực hiện nghĩa vụ nuôi con…

Trong 30 năm thực hiện Chương trình Hành động về dân số và phát triển, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vấn đề dân số làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước và từng địa phương như chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc…

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số nước ta sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100. Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số.

Tổng cục Thống kê cũng dự báo, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Trong khi nếu ở phương án mức sinh thấp, chỉ 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỷ lệ tăng dân số ở mức âm. Liên Hợp Quốc dự báo năm 2500, dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ, nếu mức sinh tiếp tục giảm.
Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN