Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân

Thứ Năm, 12/01/2023 10:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong thời gian gần 2,5 tháng tính từ ngày 03/01/2023, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến người dân cả trong và ngoài nước với 9 vấn đề trọng tâm. Dư luận đánh giá cao cách làm thể hiện sự dân chủ, công khai của cơ quan soạn thảo Luật…

Dư luận đánh giá cao việc lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ảnh minh họa.

Cụ thể, thời gian lấy ý kiến của người dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023; tức là sẽ có gần 2,5 tháng để lấy ý kiến người dân, trong đó, có 9 vấn đề trọng tâm từ quy hoạch, định giá, thu hồi, hỗ trợ tái định cư… cho đến phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực và nhiều nội dung quan trọng khác. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, việc tổ chức lấy kiến Nhân dân được thực hiện nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân; phát huy trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Đồng thời, thông qua việc lấy ý kiến công khai sẽ trực tiếp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật…

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân. (Ảnh: Khương Trung).

Những nội dung cụ thể được tổ chức lấy ý kiến theo hướng phù hợp với từng nhóm đối tượng bao gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học…

Do nhiều nhóm đối tượng được lấy ý kiến, số lượng ý kiến dự kiến lấy nhiều nên hình thức lấy ý kiến cũng được thực hiện một cách đa dạng, sát thực tiễn đời sống xã hội, gồm cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Bao gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến. Ý kiến góp ý gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tại Kế hoạch này hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường theo địa chỉ: Số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: luatdatdat@monre.gov.vn.

Cùng với đó là hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác; các chuyên gia, nhà khoa học. Ý kiến góp ý tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm được cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm tập hợp, tổng hợp gửi về các cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân để xây dựng báo cáo lấy ý kiến gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đặc biệt, người dân còn được khuyến khích góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa chỉ: luatdatdai.monre.gov.vn; Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin…

Giao diện trang thông tin lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh chụp màn hình).

Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi người đều có mong muốn “an cư lập nghiệp”. Do đó, việc lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, cũng như đưa ra dự thảo về sửa đổi Luật Đất đai, trưng cầu ý dân... cũng đồng nghĩa với việc nhà nước đang tạo điều kiện để phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân; đặt người dân vào vị trí trung tâm, nhằm hướng đến đảm bảo sự công bằng, đáp ứng cao nhất những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người dân chia sẻ, nói lên tiếng nói, đóng góp để cùng hoàn thiện về Luật Đất đai (sửa đổi).

Thực tế thời gian qua cho thấy, quản lý, khai thác, sử dụng đất đai luôn là lĩnh vực có tính chất nhạy cảm; phần nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo hay các vụ việc phức tạp đều phát sinh từ các tranh chấp liên quan đến đất đai. Như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII vừa qua. Đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nhiều người giàu lên nhờ đất nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất...

Từ đó có thể thấy, Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng; là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)./.

Vũ Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN