Phân phát hàng cứu trợ ở miền Bắc Gaza gặp nhiều thách thức
(ĐCSVN) – Công việc của các nhân viên chuyển hàng cứu trợ tới miền Bắc Gaza đang gặp rất nhiều khó khăn do họ không chỉ phải đối mặt với những thách thức hàng ngày ở khu vực xảy ra chiến sự mà còn phải phối hợp với giới chức Israel trước khi đi qua trạm kiểm soát quân sự.
Người dân chen chúc nhận thực phẩm cứu trợ ở thị trấn Beit Lahia, phía Bắc Gaza, ngày 18/7/2024. (Ảnh: Xinhua). |
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 18/7, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã chỉ ra những thách thức mà các nhân viên cứu trợ thường gặp khi làm việc trong môi trường xung đột quân sự bao gồm bị hạn chế tiếp cận, hạn chế về nhiên liệu, mất điện liên tục và thiếu trật tự và an toàn công cộng.
OCHA cho biết, trong 16 ngày đầu tháng 7, các đồng nghiệp của cơ quan này đã điều phối 60 nhiệm vụ nhân đạo ở miền Bắc Gaza. Tuy nhiên, chỉ có 24 chuyến chở hàng viện trợ nhân đạo được tạo điều kiện thuận lợi, trong khi 12 chuyến bị chính quyền Israel từ chối tiếp cận, 20 chuyến khác bị quân đội Israel cản trở trên bộ, trong khi 4 chuyến còn lại đã bị các tổ chức nhân đạo hủy bỏ vì lý do hậu cần hoặc an ninh.
Theo số liệu thống kê do hãng tin tức aljazeera cập nhật ngày 18/7, các hoạt động quân sự của Israel trong 24 giờ qua đã khiến 54 người thiệt mạng, nâng tổng số người thiệt mạng do chiến sự ở Gaza lên 38.848 trường hợp kể từ khi xung đột bùng phát vào đầu tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, số người bị thương hiện cũng đã lên tới 89.549 trường hợp. Trong 24 giờ qua, quân đội Israel tiếp tục ném bom vào một trường học do Liên hợp quốc điều hành ở khu vực Zeitoun của Thành phố Gaza. Cuộc tấn công đã khiến 2 người trú ẩn gần đó bị thiệt mạng. Đây là trường học thứ 9 mà Israel ném bom trong 10 ngày qua. |
Trong khi đó, việc tiếp cận hàng cứu trợ thường xuyên tới miền Bắc Gaza - nơi hàng trăm nghìn người cần hỗ trợ nhân đạo cũng đang bị cản trở bởi các biện pháp cấm vận. Các biện pháp này cũng khiến các nhân viên nhân đạo không thể quản lý dòng hàng tiếp tế vào Gaza qua cửa khẩu Erez West.
OCHA dẫn báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) nhấn mạnh tới khả năng tiếp cận vệ sinh và nước sạch bị hạn chế cũng như tình trạng phát ban và các bệnh về da ngày càng gia tăng trên khắp dải Gaza. Hiện các nhân viên của OCHA đang cung cấp thuốc men chữa trị cho người dân Gaza. Tuy nhiên, nếu các điều kiện hiện nay không được cải thiện thì nguy cơ xuất hiện trở lại các căn bệnh nhiễm trùng là điều không tránh khỏi.
Theo số liệu từ OCHA, hiện chỉ còn 10 trong số 26 trung tâm y tế ở Gaza vẫn hoạt động, trong khi các nhân viên của UNRWA vẫn tiếp tục mạo hiểm mạng sống của mình để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho các gia đình nghèo ở khu vực xảy ra xung đột.
Cũng trong ngày 18/7, Cơ quan phụ trách y tế dải Gaza thông báo rằng các xét nghiệm được tiến hành trên các mẫu nước thải đã cho thấy sự hiện diện của virus gây bệnh bại liệt, làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát dịch bệnh mới ở Gaza
Về tình hình ở khu vực Bờ Tây, OCHA cho biết, hơn 750 người Palestine đã phải di dời kể từ đầu năm trên khắp Bờ Tây sau khi chính quyền Israel phá bỏ hoặc buộc phá dỡ nhà cửa của họ do không có giấy phép xây dựng. Thống kê cho thấy, hơn 600 ngôi nhà và các công trình kiến trúc khác đã bị phá hủy trong thời gian kể trên. Trong khi đó, người Palestine lại hiếm khi được cấp phép sinh sống ở khu vực được gọi là Khu C và Đông Jerusalem. Các hoạt động quân sự của Israel đã khiến nhiều ngôi nhà của người Palestine, chủ yếu ở các trại tị nạn ở phía Bắc khu Bờ Tây đã bị hư hại hoặc phá hủy, khiến hơn 740 người Palestine phải di dời./.