Phân định cụ thể hơn trách nhiệm giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trường Đại học
(ĐCSVN) - Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) trong đó tập trung cho ý kiến về: xếp hạng cơ sở GDĐH; Hội đồng trường; mạng lưới cơ sở GDĐH…
Về xếp hạng cơ sở GDĐH, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng đây là việc rất cần thiết, nhằm tạo động lực cho các cơ sở GDĐH phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học có thêm thông tin để chọn trường. Tuy nhiên, để đảm bảo việc xếp hạng trung thực, khách quan, minh bạch, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản vào điều này quy định về các tổ chức xếp hạng như điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức này…
“Nếu các tổ chức xếp hạng này không trung thực, không khách quan thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở, tổ chức giáo dục đại học cũng như quyết định chọn trường của sinh viên”- đại biểu Lê Quang Trí bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, xếp hạng cơ sở GDĐH là một vấn đề còn rất mới ở nước ta. Điều quan trọng cần phải làm ngay là có các điều, khoản quy định về tính trung thực, công khai các số liệu báo cáo của trường công bố cho xã hội, cho cơ quan quản lý nhà nước, cho các bên liên quan khác. Việc công bố số liệu cần được giám sát và xử phạt thật nghiêm. Những trường hợp không trung thực hoặc cung cấp không đầy đủ số liệu liên quan đến chất lượng, khi nào những việc này được chấn chỉnh xong thì xếp hạng mới có thể là thực chất.
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho hay, một điểm mới trong sửa đổi Luật GDĐH lần này, đó là dự luật cũng đã sửa đổi khá căn bản, chi tiết về Hội đồng trường và coi đây là một tổ chức quản trị có quyền lực thực sự. Khắc phục tình trạng Hội đồng trường hiện nay còn mang tính hình thức, nhất là hoạt động ở trường công lập còn mang tính hành chính, bao cấp, chưa phát huy chủ động, sáng tạo.
Tuy vậy, đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị cân nhắc quy định cụ thể hơn trách nhiệm giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, phải tách bạch rõ ràng để đảm bảo hài hòa trong mối quan hệ giữa Hội đồng trường với vai trò điều hành quản lý của hiệu trưởng để phát huy vai trò Hội đồng trường với sự năng động sáng tạo, điều hành của hiệu trưởng.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đồng tình với quy định của dự thảo luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường. Quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường thực chất là chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản góp phần làm tăng tính tự chủ của các trường, tiến tới bỏ cơ chế chủ quản là phù hợp với chủ trương chung.
Về tuổi của Chủ tịch Hội đồng trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho hay, dự thảo luật quy định một trong những tiêu chuẩn của Chủ tịch hội đồng trường là đủ sức khỏe để làm việc và tuổi của Hội đồng trường công lập theo quy định của pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng.
“Đối với các trường ngoài công lập như thế nào là đủ sức khỏe để làm việc, đối với các trường công lập tuổi theo quy định của pháp luật sẽ do cơ quan nào quy định. Do đó, đề nghị xác định thẩm quyền này ngay trong luật hoặc giao cho cơ quan nào đó quy định bằng văn bản dưới luật” - đại biểu Trường Giang nói.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến về định hướng hình thành, phát triển các đại học lớn trong tương lai. “Một quan điểm rất mới, mang tính chiến lược lâu dài được thể hiện trong dự thảo luật, đó là trường đại học có thể chuyển thành đại học, các trường đại học có thể liên kết với nhau để trở thành đại học, tất nhiên là có điều kiện. Theo cách như thế chúng ta sẽ sớm có được những đại học mạnh, đạt chuẩn mực khu vực và quốc tế. Ở Mỹ, châu Âu, nhất là Cộng hòa Pháp, xu thế này đang diễn ra rất mạnh và rất hiệu quả”- đại biểu chia sẻ.
Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thành Đạt thống nhất với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đề nghị giữ ổn định hệ thống, tránh gây xáo trộn không cần thiết, đồng thời tạo cơ hội cho sự phát triển của các trường đại học, các đại học; sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học, trong đó đại học quốc gia đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống.
Bàn về thành lập cơ sở giáo dục ĐH tư thục, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho hay, nếu quy định như dự thảo Luật nhà đầu tư có hai lựa chọn. Hoặc là thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục. Hoặc trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục đại học ngay mà không cần phải thành lập tổ chức kinh tế.
Theo đại biểu, quy định trên là chưa hợp lý, bởi vì: một, quy định trên không đảm bảo tính minh bạch; Hai, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và dự thảo này thì chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của Hội đồng quản trị doanh nghiệp khác với Hội đồng trường; Ba, quy định trên sẽ tạo ra những khó khăn trong việc hướng dẫn và áp dụng pháp luật; Bốn, từ những khó khăn trên dẫn đến tùy tiện trong vận dụng và áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Quan trọng là không khắc phục được hạn chế bất cập trong thời gian qua như tranh chấp quyền lợi giữa các nhà đầu tư xảy ra trong hội đồng trường tại trường tư thục làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của cơ sở giáo dục.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, dự thảo chỉ nên quy định thống nhất nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế hoặc quỹ xã hội để đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục. Đối với trường tư thục hiện nay chưa phải tổ chức kinh tế hoặc quỹ xã hội thành lập ra cần có quy định rõ lộ trình chuyển đổi cho phù hợp./.