Phân cấp địa phương cấp phép vận tải khách từ bờ ra đảo
(ĐCSVN) - Từ ngày 1/6 việc vận tải hành khách từ bờ ra đảo sẽ do địa phương cấp phép. Theo đó, các tổ chức cá nhân khi đăng ký thủ tục đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính, qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến… đến Sở GTVT thay vì gửi tới cảng vụ hàng hải khu vực như trước đây.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 10 /2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/6.
Thông tư mới thay thế Thông tư số 16/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam.
Điểm đáng chú ý tại quy định mới là bổ sung các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, cũng như quy định rõ về cấp đăng kiểm của các phương tiện trên tuyến.
Cụ thể, tuyến Hải Hà - Đảo Trần - Cô Tô hiện được quy định rõ, sẽ chỉ có phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên được hành trình trên tuyến.
Thông tư mới quy định rõ về cấp đăng kiểm của các phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo. (Ảnh: TL) |
Đối với các tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên sẽ được hành trình trên các tuyến: Trần Đề - Côn Đảo; Cần Thơ - Côn Đảo; Năm Căn - Phú Quốc; Năm Căn - Nam Du; Năm Căn - Thổ Châu; Sông Đốc - Thổ Châu; Sông Đốc - Phú Quốc; Sông Đốc - Nam Du; Khai Long - Phú Quốc; Thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo; Trà Vinh – Côn Đảo; Bến Tre – Côn Đảo.
Với phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên sẽ được hành trình trên các tuyến: Cửa Tùng - Cồn Cỏ; Vịnh An Hòa - Lý Sơn; Cửa Đại - Lý Sơn; Cù Lao Chàm – Lý Sơn; Đà Nẵng – Cù Lao Chàm; Khai Long - Hòn Khoai; Năm Căn - Hòn Khoai; Năm Căn - Hòn Chuối.
Bên cạnh bổ sung những tuyến vận tải mới, thủ tục thủ tục đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo cũng có sự thay đổi.
Theo đó, tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc hình thức phù hợp khác đến Sở Giao thông vận tải (GTVT) hồ sơ đăng ký vận tải hành khách cố định, thay vì gửi tới cảng vụ hàng hải khu vực.
Để phù hợp với việc làm thủ tục trực tuyến, hồ sơ chấp thuận bản chính hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực của các giấy tờ trong hồ sơ.
Sở GTVT sẽ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý tùy từng trường hợp. Cụ thể, trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ không hợp lệ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.
Nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định, chậm nhất không quá 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở GTVT gửi xin ý kiến bằng văn bản của cảng vụ hàng hải khu vực, cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nơi có tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo đi qua.
Cảng vụ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản.
Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không hợp lệ thì trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở GTVT phải có văn bản gửi tổ chức, cá nhân yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trong 30 ngày kể từ ngày ra văn bản thông báo, nếu tổ chức, cá nhân không hoàn thiện, bổ sung hồ sơ thì Sở GTVT kết thúc việc giải quyết hồ sơ.
Trường hợp tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục làm thủ tục đăng ký vận tải hành khách cố định phải thực hiện lại từ đầu theo quy định.
Chậm nhất không quá 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan, đơn vị quy định, Sở GTVT xem xét, có văn bản chấp thuận theo mẫu quy định, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc gửi trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân vận tải khách cố định trên tuyến. Trường hợp không chấp thuận, có văn bản trả lời nêu rõ lý do./.