Những người thợ trên công trường đào hầm Tuy An
(ĐCSVN) - Những ngày tháng 9, cái nắng chói chang của vùng đất Phú Yên đổ vàng ruộm qua hàng dài dãy núi đá bao quanh công trường hầm Tuy An. Tiếng xe, máy khoan, thiết bị thi công rộn rã đêm ngày quện vào nhịp sống và làm việc của những người thợ làm hầm nơi đây. Giữa lòng núi đá cằn cỗi, hàng trăm con người đang miệt mài không ngừng để tô tạc nên hình hài con đường hầm xuyên núi Long Sơn (thuộc huyện Tuy An).
Những người thợ tham gia thi công trong hầm Tuy An |
5 rưỡi sáng, từng tốp thợ đào hầm đã chỉn chu khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, chuẩn bị sẵn sàng cho công việc ngày mới. Mũ bảo hộ, áo phản quang, mặt nạ chống độc, găng tay, giày chuyên dụng… đều là những thứ quen thuộc với anh em, không thể thiếu cho công việc hết sức đặc thù này. Có “mục sở thị”, chúng tôi mới hiểu sự gian nan, vất vả của những người thợ đào hầm nơi đây.
Đồng hồ mới điểm 9 giờ, bên trong hầm, nhiệt độ đã lên tới trên 50 độ C. Vào sâu bên trong, khói bụi càng mịt mù. Ban Điều hành gói thầu thầu XL01 dự án Chí Thạnh – Vân Phong phải trang bị thêm các thiết bị, quạt gió hút bụi với công suất lớn để hỗ trợ cho kỹ sư, công nhân trong quá trình làm việc.
Anh Nguyễn Hữu Dần là một thợ đào hầm có nhiều năm gắn bó với các công trường. Anh từng tham gia hoàn thành thi công hầm Trường Vinh trước khi được điều động tới công trường hầm Tuy An. Anh nói: “Mỗi ngày làm việc trong lòng núi đá là một thử thách, không chỉ với sức khỏe mà còn với lòng kiên trì, bền bỉ. Chúng tôi đối mặt với cái nóng hầm hập, ngột ngạt trong lòng núi. Chiến đấu cả với những khó khăn địa hình phức tạp”.
Rồi anh bảo rằng, cái khó đó đã gắn kết tình đồng nghiệp, để anh em sẵn sàng hỗ trợ nhau. Người mới vào hầm cũng được người đi trước hướng dẫn, chỉ bảo tận tình từng khâu từng bước trước khi “hành nghề”.
Thi thoảng, lại thấy có người dừng lại giây lát thở dốc, lau đi những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt. Tôi mới hỏi anh Dần, động lực nào để anh và các đồng nghiệp kiên trì đến vậy. Ánh mắt anh rạng lên đầy kiêu hãnh: “Công việc mà, ai cũng chọn việc dễ thì gian khó để cho ai? Nhìn công trình đổi khác từng ngày, từ những đóng góp nhỏ của mỗi người, chúng tôi biết những nỗ lực của mình cho ra kết quả trông thấy. Anh em lại động viên nhau không chùn bước”. Anh cười rồi lại nói thêm, Ban Điều hành cũng quan tâm đến anh em lắm, tuy vất vả nhưng được thấu hiểu và chia sẻ.
Đi tiếp, tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Phi Đô - Ca trưởng Tổ Kỹ thuật hầm Tuy An. Anh chia sẻ: “Biết rõ khó khăn của công việc này, nhưng càng khó, tôi càng quyết tâm càng muốn chinh phục. Chúng tôi có anh em đồng nghiệp bên cạnh cùng sẻ chia gian truân khi việc thi công không được thuận lợi, chia sẻ niềm hân hoan khi vừa hoàn tất một công đoạn khó nhằn. Ở đây, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cũng thường xuyên đến thăm công trường động viên, khích lệ anh em”.
Trên đường từ công trường về khu sinh hoạt để ăn trưa, anh kể, nếu không phải là những ngày nắng rát, thì lại là những ngày mưa gió, hay có nhưng đợt mưa bão quét qua, một số mũi công việc bắt buộc phải nán lại, còn lại thì anh em vẫn cố gắng tìm giải pháp để khắc phục thời tiết mà thi công… “Vượt nắng thắng mưa là thế mà”, anh cười nói.
Tôi cứ nhớ câu nói của anh Dần khi được hỏi có bao giờ lăn tăn vì đã chọn công việc này không. “Nhớ nhà, nhớ quê thôi! Chứ chưa bao giờ hối hận vì đã chọn làm người đào hầm. Là nghề tôi yêu, là cuộc đời tôi chọn”, anh đáp.
Anh Nguyễn Hữu Dần là một thợ đào hầm có nhiều năm gắn bó với các công trường |
Vì công việc, nhiều người lao động hy sinh cuộc sống bên gia đình vì công việc chung. Hiểu được những hy sinh đó, Ban Điều hành luôn quan tâm, động viên kịp thời để anh em vững tâm công tác. Nơi sinh hoạt và làm việc khang trang, được đảm bảo đầy đủ tiện nghi. Sức khoẻ của cán bộ, kỹ sư, công nhân nói chung và đặc biệt của anh em thi công hầm nói riêng, được chú trọng với lịch thăm khám, kiểm tra sức khoẻ chuyên sâu định kỳ.
Những dịp lễ Tết xa quê, đãi ngộ cho người lao động được đảm bảo xứng đáng. Mặc dù không thể thay thế được không khí sum họp gia đình, nhưng các buổi liên hoan ấm cúng tại văn phòng dự án cũng giúp nguôi đi phần nào nỗi nhớ nhà, tiếp thêm động lực cho anh em. Ban Điều hành gói thầu chia sẻ rằng luôn quan tâm tạo môi trường làm việc gần gũi, thân thuộc như ngôi nhà thứ hai của mọi người trong suốt thời gian công tác.
Bữa cơm chiều bình dị sau lúc tan ca ngày, chứng kiến những câu chuyện vui buồn thường nhật. Những góc sân, những ghế đá, sân bóng, hay trước sảnh văn phòng,… là người ba gọi điện về cho con, người chồng gọi điện về chuyện trò với vợ, người con gọi về hỏi thăm ba mẹ…
Công trường hầm Tuy An vẫn sáng đèn về đêm. Núi rừng Tuy An như được thổi vào sức sống mới, từ khí thế của những người làm hầm, những bàn tay khối óc đang miệt mài dựng xây cung đường Tổ quốc./.