Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phản biện xã hội Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới góc độ giới

Thứ Tư, 11/09/2019 22:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nữ giới trong cùng ngành nghề, cùng trình độ học vấn và cùng khu vực địa lý đang có thu nhập thấp hơn so với nam giới. Cần thiết phải sửa đổi một số điều trong Bộ luật Lao động hiện hành để giải quyết khoảng cách giới.

Chiều 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiêp phụ nữ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới góc độ giới.

Một số ý kiến cho rằng: thực tế cho thấy nữ giới trong cùng ngành nghề, cùng trình độ học vấn và cùng khu vực địa lý đang có thu nhập thấp hơn so với nam giới. Theo đó, một số điều cần sửa đổi tại Bộ luật Lao động hiện hành để giải quyết khoảng cách giới là điều 4 (khoản 1) và điều 3 (khoản 9), đó là thiếu định nghĩa về phân biệt đối xử và định nghĩa về giới và bình đẳng giới.

Theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội việc điều chỉnh đối với người lao động Việt Nam tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi còn hạn chế, chưa thực hiện được quyền bình đẳng công bằng theo hiến định, nhất là việc đảm bảo quyền bình đẳng trong học nghề, ốm đau, thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của lao động nữ. Phạm vi và đối tượng trong Dự thảo loại bỏ lao động không có quan hệ lao động là chưa tuân thủ Hiến pháp, dự thảo mới chỉ điều chỉnh 1/3 lực lượng lao động.


Quang cạnh Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
dưới góc độ giới - Ảnh: Minh Châu

“Phần lớn người sử dụng lao động chủ yếu ở khu vực tư nhân và đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không muốn phân công, bố trí công việc, sử dụng lại lao động cho phù hợp hoặc cải tiến công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc để tiếp tục sử dụng lao động mà thường tìm cách chấm dứt hợp đồng, thải loại người lao động. Điều này vừa khiến cuộc sống của người lao động khó khăn, vừa gây gánh nặng cho nhà nước và xã hội. Dự thảo lại không có nội dung nào điều chỉnh đến nội dung này. Trong khi luật các nước bắt người sử dụng lao động phải bố trí lại lao động khi họ không đảm bảo được công việc họ đang làm từ ban đầu”, ông Lợi chỉ rõ.

Ý kiến một số đại biểu đề cập, Bộ luật Lao động hiện hành có quy định về chế độ thai sản cho lao động nữ, trong đó quy định người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tuy nhiên, tại Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra đề xuất quy định: “nếu không có sự đồng ý của người lao động thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nếu linh hoạt như vậy, các đại biểu cho rằng sẽ khiến người sử dụng lao động lách luật hoặc vẫn khiến phụ nữ mang thai thời kỳ cuối vì lương cao mà làm thêm giờ, khiến gây nguy hiểm đến tính mạng.

“Hội Liên hiêp phụ nữ Việt Nam với chức năng của mình sẽ có ý kiến, quan điểm của chúng tôi là không đồng ý làm thêm giờ với trường hợp mang thai từ tháng thứ 07”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội khẳng định

Liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, ý kiến của một số đại biểu đề nghị Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần quy định cụ thể cho từng ngành nghề. PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng phân tích: “Để đào tạo được một cán bộ nữ làm quản lý hay làm khoa học chi phí là không hề rẻ. Thực tế nhiều chị ở tuổi 55 còn rất trẻ, còn cống hiến tốt nếu phải nghỉ hưu là vô cùng lãng phí. Dù vậy, với lòng tự trọng của người trí thức mà bảo họ làm đơn để xem xét có đủ sức khỏe không, có nhu cầu tiếp tục làm việc không thì không bao giờ họ làm!”.


Nữ công nhân Trần Thị Hường đại diện cho lao động trực tiếp sản xuất
kiến nghị tại Hội nghị - Ảnh: Minh Châu

Bà Trần Thị Hường, công nhân Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long, thành phố Hải Phòng cũng tán thành việc cần thiết phải quy định tuổi nghỉ hưu cụ thể cho từng ngành nghề nhất là với lao động trực tiếp sản xuất. “Với công nhân thủy sản như chúng tôi sản xuất gần như phải đứng trong 8 tiếng, nhiệt độ nóng, lạnh thay đổi liên tục. Vì vậy mà hiện tại nhiều người chỉ 50 tuổi đã nghỉ hưu nếu đã đủ thời gian đóng bảo hiểm chứ không phải đến 55 tuổi. Dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 thật sự không hợp lý”, bà Hường bày tỏ.

Đại diện cho hơn 300 công nhân của công ty, nữ lao động này thể hiện sự đồng tình với Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định giảm giờ làm từ 48h/tuần xuống còn 44h/tuần bởi “làm 8h/ngày, 48h/tuần như hiện nay hết giờ làm về đến nhà người lao động rất mệt mỏi”.

Tuy nhiên, đại diện của một số doanh nghiệp không đồng tình với việc giảm giờ làm trong tuần và cho rằng: tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Lào đều là 48 giờ/tuần. Nếu giảm giờ làm trong tuần sẽ giảm sức cạnh tranh và có nguy cơ phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế./.

Minh Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN