Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phá bỏ điểm nghẽn phát triển ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ Năm, 15/12/2022 09:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Với sự đầu tư rất lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang đứng trước cơ hội có bước chạy đà rất mạnh mẽ, để thực sự trở thành mũi công phá, phá bỏ điểm nghẽn phát triển ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm tới.

Đồng chí Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc làm việc với Trường Dự bị Đại học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh định hướng phát triển cho nhà trường sau khi chuyển về trực thuộc Uỷ ban Dân tộc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển) 

Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: “Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, nhưng là bộ phận đặc biệt, bao gồm những người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên hoặc những người có kinh nghiệm, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng giải quyết vấn đề tốt, đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, có đóng góp tích cực cho phát triển cộng đồng”.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để làm việc tốt hơn, thực hiện hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Về mặt xã hội, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quyết định tới sự phát triển của xã hội, là một trong những giải pháp để chống thất nghiệp. Về phía tổ chức, doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực là để đáp ứng được nhu cầu tồn tại và phát triển của tổ chức, doanh nghiệp. Còn với người lao động, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu học tập của người học, là một trong những yếu tố tạo nên động cơ lao động tốt.

Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), đào tạo nhân lực chất lượng cao là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN; có vai trò quyết định đến học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực; đào tạo ra những người có khả năng dẫn dắt, tập hợp cộng đồng DTTS trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; tạo nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới song song với việc phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm của DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có khả năng giải quyết những vấn đề mới, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, sản xuất và đời sống xã hội.

TS. Nguyễn Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương khẳng định, xác định tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực DTTS, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ: “Phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực các DTTS nói riêng là một trong ba khâu đột phá chiến lược của đất nước”; đồng thời định hướng: “nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các DTTS về thể lực, trí lực và tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu hợp lý, trong đó ưu tiên các DTTS có nguồn nhân lực còn hạn chế để từng bước thu hẹp khoảng cách với trình độ chung của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”…

Những năm qua, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS được thể hiện qua bốn nhóm: chính sách phát triển hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS&MN; chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng; chính sách hỗ trợ đối với người học về học bổng, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí, chế độ cử tuyển, tuyển thẳng vào đại học, dự bị đại học, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh, ưu tiên trong đào tạo, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên… và chính sách đầu tư đối với các cơ sở đào tạo vùng DTTS&MN.

Riêng chính sách cử tuyển, từ 2011 - 2019, đã có 51/53 dân tộc thiểu số có sinh viên cử tuyển, với số lượng 8.681 học sinh; trên 36% học sinh cử tuyển được bố trí việc làm.

Về đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc, từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2020 - 2021, số lượng học sinh dự bị đại học được bồi dưỡng và theo học tại các trường đại học trong cả nước là 27.284 người, góp phần tạo nguồn sinh viên DTTS cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với chính sách đào tạo, dạy nghề người dân tộc thiểu số, cả nước đã hỗ trợ đào tạo trên 1,1 triệu người, chiếm 14% trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động. Ở nhiều địa phương, việc dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm. Nhiều người sau khi học nghề đã tự mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, phát triển kinh tế tại chỗ. Nhờ học nghề, 86,1% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đã có việc làm.

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 được Đại hội XIII của Đảng xác định, đó là: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn”.

Nhằm phục vụ đường lối lãnh đạo được Đại hội XIII của Đảng đề ra trên địa bàn vùng DTTS&MN, Chính phủ đã ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá với các nội dung sau: “Ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp đồng bào DTTS trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, kết hợp với phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, sản xuất của đồng bào trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xã hội. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó chú trọng đào tạo, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người DTTS. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đặc biệt là tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Quan tâm tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ là người DTTS; hỗ trợ nâng cao năng lực để đủ điều kiện giới thiệu tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào DTTS&MN; tập trung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành có nhu cầu cấp thiết như: Bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư nông nghiệp, công nghệ thông tin, quản lý văn hóa cơ sở, quản lý kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị nhân lực, công nghệ thực phẩm...”.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, để phát triển nguồn nhân lực các DTTS, cần thực hiện các hình thức đào tạo sau: Đào tạo dài hạn trình độ cao: đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, văn bằng 2; đào tạo ngắn hạn, tập huấn cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo vùng đồng bào DTTS&MN, lao động phổ thông, doanh  nghiệp, cán bộ hợp tác xã, người có ảnh hưởng của vùng…

Nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh minh hoạ) 

Bên cạnh đó, cần xác định chuẩn kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp cho từng nhóm đối tượng với kiến thức chung về văn hóa dân tộc, khát vọng dân tộc, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ (tiếng dân tộc), quốc phòng, an ninh, kỹ năng xử lý các công việc phát sinh… Riêng kiến thức chuyên môn sâu thì tuỳ thuộc theo từng vị trí việc làm/vị trí đảm nhận.

Hiện nay, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN có Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong Dự án này có Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN; Tiểu dự án 3: Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN. Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện 3 Tiểu dự án này là 23.075,114 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS&MN còn phải nhắc đến Tiểu dự án 4: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN ở các cấp, với dự kiến mức vốn là 1.462,9 tỷ đồng và Tiểu dự án 2: Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc Dự án 4.

Theo đó, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Nha Trang, Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Đại học Tây Bắc, Đại học Tây Nguyên, Đại học Tân Trào sẽ được củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người DTTS. Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án này là 2.800 tỷ đồng.

Với sự đầu tư rất lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang đứng trước cơ hội có bước chạy đà rất mạnh mẽ, để thực sự trở thành mũi công phá, phá bỏ điểm nghẽn phát triển ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm tới./. 

Quỳnh Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN