TP Hồ Chí Minh: Khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2024
(ĐCSVN) - Ngày 3/10, UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tham dự Lễ khai mạc.
Lễ khai mạc "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2024. (Ảnh: Minh Dung) |
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời mang lại nhiều giá trị, cơ hội để thay đổi, để tiếp cận tri thức của nhân loại, mở ra cho mọi người cơ hội học tập thường xuyên, cơ hội học tập suốt đời mọi lúc, mọi nơi, mở rộng quan điểm sống, mở rộng không gian, thời gian, phương pháp và hình thức học tập.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho biết, Năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã vinh dự được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Ngoài ra, Thành phố cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
"Để giữ vững các kết quả đã đạt được, mỗi người dân cần chung tay góp sức xây dựng Thành phố không ngừng học hỏi và phát triển. Trong đó, việc làm đầu tiên, quan trọng nhất chính là phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời để tiến bộ và phát triển bền vững", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ.
Để văn hóa đọc ngày càng phát triển, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thuý chỉ đạo các cơ quan đơn vị, tổ chức đoàn thể, cá nhân như Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố,… đẩy mạnh hưởng ứng, tuyên truyền cũng như đối mới cách thức tổ chức chương trình; các phường, xã, thị trấn phấn đấu xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã; các quận, huyện và TP Thủ Đức phấn đấu xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp huyện; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phấn đấu xây dựng “Đơn vị học tập”; các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các hình thức học tập linh hoạt, các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, nơi học sinh có thể đến học nhóm, đọc sách, người cao tuổi được phổ cập các kỹ năng số, sử dụng điện thoại thông minh. Đối với mỗi cá nhân, cần nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng năng lực tự học thông qua văn hóa đọc.
“Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời là cách hoàn thiện tri thức kỹ năng của bản thân để hoàn thành mục tiêu phấn đấu trong học tập, trong công việc, để trở thành công dân học tập toàn cầu” Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần quán triệt chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước về “Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho mọi công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo” nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. UBND thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện cần tích cực xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn, nhằm giúp cho mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp hơn. Đồng thời kêu gọi mỗi người dân hãy xây dựng thói quen đọc sách, tích cực học tập, tự giác xây dựng năng lực tự học để trở thành công dân số, công dân của Thành phố học tập toàn cầu UNESCO.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, hiện nay tỷ lệ người dân ham đọc sách của cả nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn là một thách thức đối với cơ quan quản lý. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 4 quyển sách/năm, trong đó 1,8 quyển là sách giáo khoa, 2,1 quyển thuộc các loại sách khác.
"Tôi cho rằng niềm tin để TP Hồ Chí Minh vượt qua thách thức là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, và đặc biệt là vai trò tham mưu của Sở Giáo dục và Đào tạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, chính sự năng động, đổi mới không ngừng, dám nghĩ dám làm, sáng tạo của người dân thành phố cùng điều kiện kinh tế phát triển là điều kiện để phát triển văn hóa đọc. Muốn kinh tế phát triển phải có tri thức, muốn có tri thức thì phải có sách, phải đọc và có phương pháp đọc, phải học tập không ngừng và học tập thường xuyên,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, với truyền thống năng động sáng tạo, làm việc hết sức thực chất của lãnh đạo Thành phố, các sở ban ngành, của ngành Giáo dục đào tạo, phong trào văn hóa đọc ngày càng phát triển, đi vào thực chất và xứng đáng là thành phố mạng lưới học tập toàn cầu để phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững và xây dựng con người văn hóa, nghĩa tình, văn minh.
Dịp này, UBND TP Hồ Chí Minh trao bằng khen đến các cá nhân, tập thể xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn Thành phố năm 2023./.