Nữ cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
(ĐCSVN) - Từ những thành tích đạt được nhờ lựa chọn phát triển kinh tế gia đình theo mô hình vườn, ao, chuồng (VAC), gia đình cựu chiến binh Lê Thị Đoán đã được chính quyền địa phương biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen từ năm 2019 đến nay.
Bác Đoán bên vườn bưởi Diễn của gia đình- Ảnh: Phạm Văn Phú |
Từ những năm 2014, sau khi xuất ngũ, bác Lê Thị Đoán (tổ 18, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đã cùng gia đình miệt mài khai phá vùng đồi rộng gần 4,0 ha, do cha mẹ để lại để phát triển kinh tế. Sau nhiều năm khai phá kết hợp với trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mô hình VAC của gia đình bác Đoán dần được hình thành và phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Trên khu đất khai phá, bác Đoán trồng gần 2,5 ha cam sành và 0,5 ha bưởi Diễn. Từ cam sành và bưởi Diễn mỗi năm mang về thu nhập cho gia đình trên 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí (phân bón, công thuê lao động) còn lãi khoảng 650 triệu đồng.
Do trang trại có nguồn đất rộng và nguồn nước suối chảy quanh năm, bác Đoán đã cùng với gia đình thuê máy xúc đào được trên 2.500 m2 mặt nước để nuôi cá. Tại diện tích mặt nước, bác Đoán chia thành 3 ao nuôi cá và được ngăn với nhau bằng đường bê tông kiên cố; giữa các ao còn được luân chuyển nguồn nước với nhau bằng hệ thống cống có thể đóng hoặc mở khi cần thiết. Các loại cá được gia đình bác Đoán nuôi có giá trị kinh tế cao và tận dụng hết các tầng nước như cá chép, cá trôi Ấn Độ, cá trắm cỏ, cá mè… Thức ăn của cá là các loại cây, cỏ trong trang trại và thức ăn do gia đình chế biến từ ngô, cám gạo, giun quế, ốc bươu vàng…; tất cả thức ăn được xay nhuyễn và tạo viên nhỏ để cho cá ăn.
Trong nuôi cá, bác Đoán thực hiện phương châm “đánh tỉa thả bù”, tức là khai thác loại cá nào thì thả bù con giống của loài cá đó. Do phương pháp chăn nuôi cá như vậy nên các loại cá của gia đình bác Đoán có chất lượng thịt thơm ngon và thường bán được giá cao. Từ nuôi cá mỗi năm cũng mang về cho gia đình bác Đoán khoảng 150 triệu đồng, sau khi đã trừ các chi phí đầu tư còn lãi khoảng 110 triệu đồng.
Ngoài làm vườn và nuôi cá, gia đình bác Đoán còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi để tạo nguồn phân hữu cơ cho vườn cam và bưởi Diễn. Do trang trại có đất rộng, bác Đoán phát triển nuôi gà thả vườn; mỗi năm xuất bán được khoảng 250 kg gà thịt và cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 170 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi gà, gia đình bác Đoán còn phát triển chăn nuôi lợn, nuôi bò thịt và bò cái sinh sản để làm giống. Từ chăn nuôi lợn và bò thịt, mỗi năm cũng mang về thu nhập khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 90 triệu đồng.
Bác Đoán tâm sự: Phát triển kinh tế theo mô hình VAC mang lại nhiều lợi ích về kinh tế do hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Đó là có thể tận dụng các loại cá nhỏ, tôm, cua trong ao để làm thức ăm bổ sung nguồn đạm cho lợn, gà. Bên cạnh đó, phân của các loại gia súc, gia cầm là nguồn phân bón hữu cơ cho cam và bưởi Diễn, giúp gia đình hạn chế phải đầu tư mua phân vô cơ và góp phần cải tạo đất vườn. Trong những năm qua, mỗi năm thu nhập từ trang trại của gia đình đạt trên 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 1,0 tỷ đồng mỗi năm.
Từ những thành tích đạt được, gia đình bác Lê Thị Đoán đã được UBND và Hội Cựu chiến binh huyện Vị Xuyên biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen từ năm 2019 đến nay. Ngoài ra, mô hình phát triển kinh tế VAC của gia đình bác Đoán còn là điểm tham quan, học tập của các đoàn nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh… trong và ngoài tỉnh Hà Giang trong những năm qua./.