Nỗi lo lắng từ thực trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau xanh.
(ĐCSVN) - Rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người. Để đạt được hiệu quả cao trong quá trình canh tác, người nông dân buộc phải sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm phòng tránh sâu bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng tràn lan thuốc BVTV đã để lại dư lượng hóa chất độc hại trên các loại rau, quả. Điều này gây không ít sự lo lắng cho người tiêu dùng.
Lo lắng về tình trạng dư thừa lượng thuốc BVTV trong các loại rau xanh được bày bán ở các
khu chợ tại Hà Nội. (Ảnh VH)
Đối với con người, đặc biệt là người châu Á, rau xanh là loại thực phẩm đặc biệt quan trọng trong bữa ăn gia đình. Tại thủ đô Hà Nội, nhu cầu về rau, quả trong bữa ăn gia đình của người dân Thành phố ngày càng tăng nhanh. Hiện nay, quanh thành phố Hà Nội có khá nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, canh tác rau, quả, cung cấp chủ yếu cho nhu cầu tiêu thụ của bộ phận dân cư thành phố. Tuy nhiên hiện nay, do người nông dân sử dụng thuốc BVTV khá tràn lan, thiếu tính khoa học, dẫn đến dư lượng của các loại hóa chất đọng trong các loại rau, quả vượt quá mức độ cho phép, gây tác hại cho người tiêu dùng khi tiêu thụ các loại nông sản này.
Chị Nguyễn Thu Hiền - một người dân sống tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, qua các phương tiện truyền thông, chị đã hiểu về mối nguy hại đến từ dư lượng thuốc BVTV còn sót lại trên các sản phẩm rau, quả. Tuy vậy, chị cũng không có lựa chọn nào khác cho việc chọn các sản phẩm rau, quả bán ở các khu chợ tại Hà Nội. Để tự bảo vệ mình và gia đình, chị tâm sự: “Tôi luôn phải rửa rau thật kỹ trước khi nấu ăn, đặc biệt là các loại rau có nhiều sâu bệnh như: Quả đỗ, rau ngót, rau mùng tơi, rửa làm nhiều lần như vậy mới bớt lo lắng. Bởi những loại rau nhiều sâu bệnh như vậy sẽ được người nông dân sử dụng rất nhiều các loại thuốc BVTV. Việc tồn dư lượng thuốc trên rau là điều khó tránh khỏi.”
Lo lắng với vấn đề này, nhiều gia đình sống tại Hà Nội đã tìm cách tự trồng rau để phục vụ cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của mình. Với khoảng 10m2 trên khoảng sân thượng của nhà, chị Thúy Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) đã tạo được cho gia đình mình một mảnh vườn nhỏ với một số loại rau khác nhau. Tuy nhiên không đủ dùng cho cả gia đình, chị vẫn phải mua thêm rau bên ngoài. “Tuy biết rằng lượng thuốc BVTV tồn dư trong rau là khá phổ biến, nhưng cũng không có biện pháp nào khác ngoài việc chú ý sơ chế rau cho thật kỹ càng trước khi chế biến. Đối với cửa hàng bán rau sạch thì giá thành quá cao, ngoài ra, chúng tôi cũng không thể kiểm định hay đánh giá cụ thể”.
Có thể nói rằng, việc lo lắng về tình trạng mất an toàn, dư thừa lượng thuốc BVTV trong các loại rau xanh được bày bán ở các khu chợ tại Hà Nội là hoàn toàn có cơ sở. Gần đây nhất, trong một cuộc giám định của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, 40 trong số 120 mẫu rau xanh được lấy từ các chợ tại Hà Nội có lượng tồn dư thuốc BVTV vượt quá mức độ cho phép. Theo ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm), trong số 40 mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật này có tới 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu trồng ở tỉnh khác.
Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát khác từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái, Cục An toàn thực phẩm lấy nhiều mẫu rau tại 150 quầy kinh doanh ở chợ Dịch Vọng Hậu, Long Biên, Minh Khai, Đền Lừ, La Khê, chợ đêm hợp tác xã Văn Quán... để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 13 mẫu tồn dư hóa chất Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ) vượt giới hạn cho phép 10,83%; 12 mẫu có hóa chất Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián); 9 mẫu rau nhiễm cùng lúc cả hai loại hóa chất trên.
“Điều đáng lên án ở đây là sự thiếu trách nhiệm của một số người trồng trọt, canh tác. Mặc dù biết rằng độc hại cho người sử dụng những vẫn “làm ngơ” vì lợi nhuận của bản thân” - chị Hồng Hạnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc chia sẻ sau khi xem một phóng sự trên truyền hình VTC về làng trồng rau an toàn tại xã Tiền Yên - huyện Hoài Đức (Hà Nội). Phóng sự đề cập đến việc người dân trồng rau tại đây đã sử dụng loại thuốc trừ sâu dành chuyên phun cho lúa để phun cho các luống rau cải mà họ đang canh tác. Theo các quy định về thuốc BVTV cũng như trên bao bì có ghi rõ “chỉ được phun cho lúa” là loại cây trồng dài ngày, thế nhưng người dân nơi đây vẫn sử dụng nó rất "vô tư". Được biết, một ngày trên địa bàn xã này cung cấp khoảng 10 tấn rau cho thị trường Hà Nội. Việc sử dụng thuốc BVTV với độc tố cao chỉ được dùng khi tình trạng sâu bệnh phức tạp. Người dân cho rằng, việc sử dụng loại thuốc này có thể bảo vệ mùa màng tốt hơn, còn sức khỏe của người mua rau dường như không phải là mối quan tâm của họ(?!)
Trước thực trạng trên, dư luận mong rằng, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các cơ sở trồng rau để tồn dư lượng BVTV quá mức cho phép, cũng như tuyên truyền, khuyến cáo đối với nông dân về những nguy hại do dùng quá mức cho phép các loại thuốc BVTV, góp phần bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường./.
Vũ Hoàng