Nơi khởi phát Chiến dịch Điện Biên Phủ
Thứ Ba, 19/03/2024 09:59 (GMT+0)
(ĐCSVN) - An toàn khu (ATK) Định Hoá, Thái Nguyên là nơi diễn ra Hội nghị quan trọng của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng là địa điểm diễn tập làm nên chiến thẳng lịch sử 7/5/1954.
Trong quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá, địa điểm đồi Tỉn Keo là một trong những di tích quan trọng nhất gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo tư liệu lịch sử, ngày 06/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa ra quyết sách quan trọng; trong đó, đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1954. Chiến dịch nhằm mục tiêu quan trọng là tiêu diệt tập đoàn cứ điểm tại Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Việt Nam. Dưới chân đồi Tỉn Keo, tấm bia lịch sử ghi rõ: “Tại đây, ngày 6/12/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ - Bộ Tổng Tư lệnh, đưa cuộc kháng chiến của Nhân dân ta đi đến thắng lợi”.
Từ chủ trương đó, vào cuối năm 1953, tại cánh đồng Bản Soi, xã Đồng Thịnh (Định Hoá), dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân ta đã tổ chức cuộc diễn tập trước khi xuất quân lên Điện Biên. Nhờ có quyết sách kịp thời, quan trọng trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt tình hình, tương quan giữa ta và địch, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được mở đúng kế hoạch, quân ta đã giành được thắng lợi vang dội trên chiến trường Điện Biên, làm nên chiến thắng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
ATK Định Hoá là nơi khởi nguồn của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Nơi đây ghi dấu ấn đậm nét về chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua 70 năm, tại quần thể di tích “Thủ đô kháng chiến” ATK Định Hoá, những tư liệu lịch sử quý giá luôn được lưu giữ và lan toả. Trong đó, hai di tích quan trọng là lán Tỉn Keo, nhà bia ở xóm Bản Soi cùng với Bảo tàng ATK Định Hoá gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ, là “địa chỉ đỏ” để thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi, tự hào và giáo dục lòng yêu nước về chiến thắng Điện Biên trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.
|
Thung lũng Chợ Chu (Định Hoá), nơi có những triền núi trập trùng, đá bao bọc tựa như tường thành vững chãi, là trung tâm của "Thủ đô kháng chiến" ATK Định Hoá (Thái Nguyên). |
|
Nơi đây, trong các bản làng, một số ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày Định Hoá là nơi diễn ra những cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, đã trở thành di tích lịch sử trong quần thể ATK. |
|
Trong lòng triền núi trùng điệp, ngôi Chùa Hang (Chợ Chu) là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc trong Chiến dịch Thu - Đông, trước thời điểm quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
|
Cách Chùa Hang 15km, tại xã Phú Đình, bia di tích dưới chân đồi Tỉn Keo, nơi ghi lại những thông tin tư liệu về quyết sách của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 06/12/1953 về việc tổ chức Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. |
|
Lán Tỉn Keo ở vị trí trên đỉnh đồi, nơi diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 6/12/1953 để đưa ra quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
|
Tại căn lán này, còn lưu giữ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị ngồi họp bàn về việc mở chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ bàn ghế mộc mạc cùng những tư liệu có giá trị lịch sử |
|
Từ Tỉn Keo, theo con đường làng chừng 12km, đến Bản Soi, xã Đồng Thịnh; nơi đây có nhà bia lịch sử địa điểm diễn ra cuộc diễn tập của quân ta chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu. |
|
Một gian trưng bày tại Bảo tàng ATK Định Hoá, nơi lưu giữ những tư liệu lịch sử quan trọng về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. |
|
Những cuốn tư liệu lịch sử về ATK Định Hoá, trong đó, có sự kiện khởi nguồn Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
|
ATK Định Hoá - Nơi khởi nguồn Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, mãi mãi là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, là một "Điện Biên Phủ" trong lòng Nhân dân Việt Nam. |
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng