Nỗi khổ mua xăng…
(ĐCSVN) – Đây không phải lần đầu, người tiêu dùng phải đối diện với biểu hiện của sự “khan hiếm” xăng dầu. Không ít các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội và người dân đã lên tiếng phản biện xoay quanh câu chuyện đã và đang gây không ít tranh cãi này. Nguồn cơn nào, nguyên do gì dẫn đến tình trạng người tiêu dùng phải khốn khổ khi mua xăng đến vậy?
Nhìn dòng người xếp hàng tại các cây xăng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua, người ta liên tưởng tới những hình ảnh của thời kỳ bao cấp ở thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước. Người tiêu dùng chỉ biết than ngắn, thở dài, theo đó là những bức xúc, bực dọc của cả người mua lẫn người bán cũng là điều dễ hiểu, bởi nếu chưa phải xếp hàng mua xăng thì chưa thể cảm nhận được nỗi khổ của người tiêu dùng như thế nào.
Dòng người ùn ùn kéo tới chờ đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu số 17, địa chỉ 652 đường Tô Ký (quận 12, TP.HCM) tối 9-10 - Ảnh: NGỌC HIỂN. (Nguồn: tuoitre.vn) |
Câu chuyện xăng dầu một lần nữa lại “nóng” trên các diễn đàn dư luận xã hội, báo chí và truyền thông. Mấy ngày nay, sáng nào tôi đến cơ quan cũng được nghe câu chuyện xăng dầu từ các đồng nghiệp. Mọi người hỏi nhau về việc mua bán xăng, về những khó khăn khi mua xăng, đơn cử như việc phải xếp hàng chờ đợi rất lâu, hay chỉ được mua với số tiền hạn chế hoặc phải đi nhiều điểm bán mới mua được xăng… Xoay quanh câu chuyện này là hàng loạt câu hỏi liên quan được đặt ra, kèm theo cả những tranh cãi và suy luận không mấy tích cực dưới góc nhìn của người mua xăng.
Hẳn không chỉ riêng chúng tôi tự đặt câu hỏi và rồi lại tự đi tìm câu trả lời để thỏa mãn cho những thắc mắc của mình, hoặc cố tìm ra sự đồng cảm nào đó để chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xăng dầu cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Nhưng cho dù có tìm được lý do để thỏa mãn với những thông tin mà các bên đưa ra đi chăng nữa, thì nỗi bực dọc, khó chịu khi mua xăng vẫn còn ấm ức trong lòng người tiêu dùng là điều khó tránh khỏi.
Cơ quan chức năng quản lý Nhà nước cũng đã thông tin về những nguyên do tác động đến thị trường xăng dầu nước ta. Đó là nguồn cung xăng dầu do tác động tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine; khủng hoảng năng lượng đang là vấn đề toàn cầu và dự báo ngày sẽ càng gay gắt hơn. Đặc biệt là mùa đông ở châu Âu đang đến gần và lệnh trừng phạt Nga lần thứ 8 của EU. Theo đó, sản lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường của các nước OPEC+ cũng như của Nga đang dần ít đi, trong khi đó nhu cầu của châu Âu ngày càng tăng cao, nguồn cung xăng dầu từ quốc tế đã hiếm thì nay lại càng khó khăn hơn. Thêm nữa là tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao, chi phí trong hoạt động kinh doanh xăng dầu ngày càng tăng… Tất nhiên, để giải thích cho những bất cập liên quan đến thị trường xăng dầu, cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn các doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ xăng dầu đều có lý. Và trăm cái khó lại đổ hết lên đầu người tiêu dùng.
Ngoài những yếu tố khách quan vẫn còn các yếu tố chủ quan. Trong đó, có cả những bất cập trong công tác quản lý, điều hành và tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “găm hàng” hoặc bán nhỏ giọt, thậm chí là treo biển “hết xăng” trước mỗi lần điều chỉnh tăng giá vẫn thường xuyên tái diễn. Thực tế, đã có những xử phạt về lỗi vi phạm liên quan đến “găm hàng” xăng dầu, nhưng có vẻ nó chưa đủ sức răn đe hoặc những lợi ích do vi phạm mang lại lớn hơn so với bị xử phạt, cho nên một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chấp nhận bị phạt để có lợi về kinh tế. Nhưng cũng có một nghịch lý, một thực tế là không ít chủ kinh doanh xăng dầu kêu than là nhiều ngày qua dù rất vất vả nhưng mỗi lần đi nhập hàng rất khó khăn, lấy được rất ít hàng để bán dù chấp nhận lỗ để bán, để giữ khách hàng!
Không quá khó để nhìn ra việc này. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, người dân được biết nguồn cung ứng xăng dầu là không thiếu; cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này cũng cho biết, chúng ta cơ bản đã chủ động được nguồn cung từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước đã đáp ứng tới 80% nhu cầu xăng dầu thị trường nội địa, như vậy chúng ta chỉ phải nhập khoảng 20% từ nguồn cung nước ngoài; các đầu mối nhập khẩu lớn xăng dầu cũng khẳng định vẫn tuân thủ chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về định mức nhập khẩu xăng dầu cũng như các giải pháp điều tiết cung ứng cho thị trường. Vậy nguồn cơn nào, nguyên do gì dẫn đến tình trạng “khan hiếm” khiến người dân phải khốn khổ khi mua xăng dầu?
Suy cho cùng, cái gì cũng có nguyên do của nó. Hẳn là không chỉ mặt hàng xăng dầu, có lẽ với bất kỳ lĩnh vực nào cũng vẫn tồn tại những khoảng trống, kẽ hở của cơ chế chính sách, nhất là những hàng hóa lưu thông trên thị trường bao giờ cũng phải chịu tác động theo quy luật cung - cầu, vì thế cũng khó có thể lường trước được hết những biến động bất thường. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước phải luôn dự báo và chủ động trong điều hành cơ chế chính sánh về giá, thuế, phí… cũng như điều tiết thị trường một cách hiệu quả, luôn phải có giải pháp dài hạn, ngắn hạn để ứng phó kịp thời, không chậm trễ trong điều hành, có như vậy mới tránh được sự thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây tác động “khan hiếm” cho thị trường, kể cả “khan hiếm ảo”, đặc biệt là vấn đề nhiên liệu, xăng dầu.
Khi những giải pháp được điều hành kịp thời sẽ có tác dụng tức thời cho thị trường, bất cập được khắc phục nhanh chóng sẽ giảm thiểu hiệu ứng domino tiêu cực cho thị trường. Việc này được minh chứng ngay sau khi Chính phủ tổ chức cuộc họp khẩn và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu được phát đi, tình trạng người dân xếp hàng ùn ứ tại các điểm bán xăng đã hạ nhiệt, nhiều cây xăng đã mở cửa bán hàng trở lại dù trước đó đã đóng cửa nhiều ngày.
Qua đây, có thể khẳng định, vẫn là công tác điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, còn doanh nghiệp và người tiêu dùng là những chủ thể tất yếu trong cơ chế vận hành theo quy luật của thị trường. Trong đó Nhà nước đóng vai trò quản lý và điều tiết đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên (Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng). Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt có tác động nhanh và rất mạnh tới đời sống kinh tế xã hội, sự biến động giá xăng dầu ngay lập tức kéo theo chi phí, giá cả của các mặt hàng khác trên thị trường tăng theo. Vì thế, quản lý và điều hành trong lĩnh vực nhiên liệu, xăng dầu luôn đòi hỏi sự nhạy bén, ra quyết định chính xác và kịp thời là yếu tố quyết định.
Hạn chế tình trạng chậm trễ trong các quyết định điều hành hoặc thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến có độ vênh, độ trễ hoặc chồng chéo trong ra quyết định. Khắc phục những bất cập không theo quy luật của thị trường, không để nghịch lý càng bán nhiều càng lỗ nhiều - rất vô lý nhưng đây lại là sự thật, cho nên việc các nhà bán lẻ xăng dầu chọn cách đóng cửa, không nhập hàng hoặc bán một cách hạn chế, nhỏ giọt bởi họ sợ lỗ cũng dễ hiểu.
Để khắc phục tình trạng này, cần tạo cơ chế mở hơn đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, để họ chủ động hơn và xác định rõ trách nhiệm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đặc thù này. Nhất là phải tuân thủ nghiêm các quy định, nhận thức đầy đủ khi tham gia kinh doanh mặt hàng xăng dầu, ngoài những điều kiện bắt buộc còn phải chấp nhận những quy luật cung - cầu của thị trường, phải chấp nhận có lỗ, có lãi chứ không thể chỉ biết đến lãi mà không chấp nhận lỗ. Có như vậy các thương nhân mới nâng cao năng lực quản trị, giảm thiểu chi phí trung gian, tăng khả năng cạnh tranh lành mạnh, cho dù chỉ là cạnh tranh dịch vụ, bởi giá bán đã được quyết định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp, những bất cập trong quản lý, kinh doanh mặt hàng xăng dầu; có cơ chế giá phù hợp gắn với việc điều hành bình ổn giá xăng dầu thông qua các khoản thu ngân sách hay thuế, phí… một cách chủ động và linh hoạt hơn, nhất là sự đồng bộ về quản lý, điều hành.
Đây không phải lần đầu, người tiêu dùng phải đối diện với biểu hiện của sự “khan hiếm” xăng dầu, vì thế, hẳn là chúng ta không thiếu những bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, để không tái diễn những bất cập tương tự, ngoài những giải pháp hiện có và những bài học kinh nghiệm đã và đang được rút ra thì cũng nên kế thừa, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tham khảo các mô hình từ những quốc gia có phương pháp quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu hiệu quả, ít gây ra những biến động lớn cho thị trường để việc mua xăng không còn là nỗi khổ cho người tiêu dùng.
Điều rất phấn khởi là đến thời điểm hiện tại, thị trường xăng dầu đã hạ nhiệt nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ Công Thương, của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu. Hiệu quả điều hành rõ nét nhất là đã khẩn trương khắc phục tình trạng “khan hiếm” nguồn cung, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh khủng hoảng nhiên liệu đang diễn ra toàn cầu. Chúng ta có thể tin tưởng rằng các quyết sách điều hành của Chính phủ sẽ chấm dứt tình trạng khó khăn về xăng dầu. Nỗi lo mua xăng của người dân sẽ nhanh chóng qua đi./.