Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nỗ lực đáp ứng nguyện vọng của công nhân về an cư lạc nghiệp

Thứ Sáu, 24/05/2024 00:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở, ngành rút kinh nghiệm những gì chưa làm được, đặc biệt là chậm triển khai nhà ở xã hội, để làm tốt hơn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của công nhân về an cư lạc nghiệp, đời sống, công ăn việc làm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh chủ trì hội nghị. Ảnh: Viết Thành 

Ngày 23/5, tại Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động (CNLĐ) Thủ đô năm 2024.

Thiếu nhà ở cho công nhân vẫn là vấn đề gây bức xúc

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%).

Vấn đề nhà ở cho CNLĐ còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của đoàn viên, người lao động. CNLĐ rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.

Hiện nay, TP có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động.

Các Khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Do vậy khoảng trên 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các Khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có…

Trước tình hình đó, TP Hà Nội đã triển khai, hỗ trợ tiền thuê nhà cho 371.638 lượt lao động, tại 20.794 doanh nghiệp với số tiền hơn 194 tỷ đồng… Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, như: giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước... Vận động doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, hỗ trợ kinh phí thuê nhà cho người lao động.

Tại cuộc đối thoại, công nhân đã trao đổi, đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội về nội dung liên quan về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội…

Cuộc đối thoại diễn ra trong hơn 3 giờ và đã nghe hàng chục ý kiến trao đổi trực tiếp và 16 câu hỏi gửi Ban tổ chức. Các ý kiến đề nghị thành phố sớm ban hành, hoàn thiện thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội, xác định đúng đối tượng được mua cũng như nguồn vốn vay nhằm hỗ trợ để công nhân lao động không phải tìm đến “tín dụng đen”.

Anh Phan Thanh Hải (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Các ý  kiến nêu thực tế tại nhiều địa phương, nhiều công nhân lao động đang phải thuê trọ ở các khu dân cư chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, giá thuê trọ, tiền điện, tiền nước cao. Những bất cập trên khiến người lao động càng khó khăn hơn, đề nghị thành phố có thêm dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh câu chuyện về nhà ở, vấn đề được công nhân lao động phản ánh tại đối thoại là tình trạng xả nước thải dọc làm ô nhiễm nguồn nước; vấn đề tiền lương; giao thông tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Có 3 lối vào hiện nay 2 lối vào đã bị khóa, khiến giao thông dồn về trục đường chính, công nhân đi lại rất khó khăn…

Xác định món nợ với người lao động

Lắng nghe các ý kiến trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, mỗi bước tiến, mỗi thành công chung của thành phố không thể thiếu vai trò quan trọng của công nhân lao động Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, chính quyền thành phố luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất, sẽ đáp ứng tối đa những nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động vì điều đó cũng là động lực để TP phát triển. Đích đến là năng suất lao động cao hơn, phúc lợi tốt hơn.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với CNLĐ Thủ đô. Ảnh: Viết Thành 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề nghị các sở, ngành rút kinh nghiệm những gì chưa làm được, đặc biệt là chậm triển khai nhà ở xã hội, để làm tốt hơn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của công nhân về an cư lạc nghiệp, đời sống, công ăn việc làm…

Chia sẻ về trăn trở về nhu cầu của CNLĐ về mua, thuê nhà ở xã hội còn cách xa so với khả năng cung ứng của thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, các sở, ban, ngành phải xác định đây là "món nợ" với người lao động. Trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ phải khởi công được các khu nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ, ngoài chính sách của Trung ương, tới đây khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Hà Nội cũng sẽ có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát, quy hoạch bố trí bổ sung quỹ đất để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị và đại diện các sở, ngành đã trao đổi, làm rõ và giải đáp nhiều thắc mắc, kiến nghị của công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố./.

Phạm Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN