Nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên vùng cao
(ĐCSVN)- Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong chuyến công tác kiểm tra vừa qua để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục mới và khảo sát tình hình sát nhập, dồn dịch trường, điểm trường tại tỉnh Điện Biên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm một lớp học của Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm
(Ảnh: Minh Thu)
Bồi dưỡng giáo viên bắt đầu từ cán bộ cốt cán
Tại buổi làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên, nhiều ý kiến, kiến nghị đã được gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Trong đó, mối quan tâm lớn nhất hiện nay của giáo dục Điện Biên là công tác tập huấn đội ngũ giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giải đáp những băn khoăn về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo một số trường sư phạm trọng điểm xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng phù hợp với 4 nhóm đối tượng cụ thể: Cán bộ quản lý cấp sở, phòng; đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó; giảng viên các trường sư phạm và đội ngũ giáo viên.
Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý phải đi trước một bước về nhận thức và hành động đổi mới, có như vậy mới thuận lợi cho những bước tiếp theo. Điều quan trọng của đội ngũ này phải là đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, nếu lừng khừng, còn nhiều băn khoăn sẽ rất khó khăn. Đội ngũ hiệu trưởng cũng rất quan trọng, vì vậy, việc bồi dưỡng rất cần được chú trọng.
Để khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức bồi dưỡng hiện nay, các chuyên đề sẽ được xây dựng với các yêu cầu cụ thể, đáp ứng việc nâng cao chất lượng cho từng nhóm đối tượng, tránh chung chung. Quá trình bồi dưỡng sẽ bắt đầu từ đội ngũ cốt cán được lựa chọn từ các địa phương, sau đó nhân rộng ra đại trà.
Bộ trưởng cũng đề cập đến hình thức bồi dưỡng, trong đó trực tuyến được ưu tiên trước. Theo Bộ trưởng, hình thức này sẽ phát huy tác dụng ngay với những tỉnh miền núi điều kiện đi lại còn khó khăn như Điện Biên. Ngoài ra, quá trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý lần này sẽ chú trọng tới vấn đề tương tác, chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết các tình huống sư phạm cụ thể.
Chia sẻ khó khăn, vất vả với giáo viên vùng cao, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, nhằm làm giảm áp lực, tạo động lực cho đội ngũ, nhất là những giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa.
Bộ trưởng lưu ý, một mặt ngành giáo dục Điện Biên cần tăng cường điều kiện thuận lợi cho thầy cô, mặt khác cần kiểm soát, lắng nghe tâm tư của giáo viên để không xảy ra những vi phạm đạo đức nhà giáo.
Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Điện Biên có lộ trình để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trước hết cho bậc tiểu học, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, từng bước giảm dần trường tạm, lớp tạm, giãn sĩ số học sinh/lớp.
Sát nhập trường không phải để “gọn trường, chật lớp”
Tại tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến khảo sát tại Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, đây là trường nằm sát biên giới Việt - Lào và là 1 trong 3 trường trên địa bàn huyện thực hiện sáp nhập thành trường liên cấp Tiểu học và THCS.
Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, dồn dịch hay sáp nhập phải kiên định đảm bảo tiêu chuẩn sư phạm, sáp nhập phải tốt lên chứ không phải để “gọn trường, chật lớp”.
Bộ trưởng yêu cầu, ngành giáo dục địa phương cần có phương án để giãn học sinh trong trường hợp sáp nhập dẫn tới sĩ số học sinh đông, đồng thời có phương án đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh sau khi sáp nhập. Đây cũng là vấn đề quan trọng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cho rằng, sáp nhập, dồn dịch trường, điểm trường là một việc khó, liên quan đến nhân sự, vì vậy, theo Bộ trưởng cần làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để mỗi người đồng thuận với sự phân công, điều động, sắp xếp mới, tránh để có những “tâm tư” trong đội ngũ. Ngoài ra, quá trình sáp nhập giữa các cấp học cũng cần quan tâm đến tâm sinh lý của học sinh, đặc biệt là học sinh trong diện bán trú.
Bộ trưởng giao các vụ, cục chức năng của Bộ rà soát các văn bản hiện hành thuộc thẩm quyền của Bộ để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quá trình sáp nhập, dồn dịch trường lớp đang diễn ra tại các địa phương./.