Nợ công và đầu tư xây dựng cơ bản
(ĐCSVN) - Giảm nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.Giảm nợ công đồng nghĩa với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Nợ công của nước ta tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn. Đó là sự thật và được định lượng bằng những con số cụ thể. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Nợ công là vấn đề không mới, nó hiện hữu ở nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Vấn đề quan trọng là vay nợ để đầu tư vào những lĩnh vực, dự án then chốt, thực sự cần thiết với nền kinh tế; vay nợ phải trả được nợ; vay nợ phải công khai, minh bạch...
Thực tế cho thấy, nhờ nguồn vốn vay của nước ngoài mà nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục...được nâng cấp, làm mới, góp phần tạo ra sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Dù nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn, song không chủ quan. Bởi thực tế cho thấy, việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao; thiếu sự gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ.
Giảm nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, kinh tế vĩ mô ổn định.
Giảm nợ công đồng nghĩa với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tiết kiệm bằng cách chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện; chỉ triển khai dự án khi bố trí đủ nguồn vốn, hạn chế việc hỗ trợ một phần, dẫn đến không đủ nguồn vốn làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí... Ngoài ra, cần tiến hành rà soát để cắt giảm hoặc thu hồi những dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai theo cam kết hoặc theo giấy phép.
Chống lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản cần nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp bắt buộc dự án, công trình do nhà nước đầu tư vốn phải thực hiện đầu thầu rộng rãi, công khai, không được tùy tiện chỉ định thầu. Cùng với đó là thực hiện cơ chế tiền kiểm đối với các dự án ngay từ khâu lập quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thẩm định dự án, giải pháp thi công...để chống việc nâng tổng mức đầu tư không đúng với giá trị thực của dự án, công trình.