Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ninh Bình: Nỗ lực trồng rừng được đền đáp

Thứ Năm, 21/09/2023 14:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Rừng ngập mặn ven biển tỉnh Ninh Bình đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Rừng ngập mặn được ví như lá phổi xanh, như báu vật của các cư dân làng xóm xung quanh bởi rừng tạo sinh kế với vô số sản vật mặn mòi... góp phần tạo ra nguồn thủy sinh phong phú, giúp người dân có thêm thu nhập đáng kể.

1. "Lá chắn xanh" bảo vệ đê điều, làng mạc

Ninh Bình là địa phương có đường bờ biển khá khiêm tốn, chỉ dài khoảng 15 km. Vùng biển này nằm trọn trên địa bàn 4 xã Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông, Kim Tân của huyện Kim Sơn. Do nằm trong vịnh Bắc Bộ và tiếp giáp với sông Đáy nên vùng biển Ninh Bình thường xuyên bị ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, mưa lớn, lũ lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn… ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân, sự phát triển kinh tế biển của địa phương.

Rừng ngập mặn Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình 

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua, Ninh Bình đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng nhiều tổ chức trong và ngoài nước trồng hàng trăm hecta rừng ngập mặn góp phần quan trọng bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy, hải sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.

Giờ đây, dọc các tuyến đê biển, từ những bãi triều trơ trọi, khu vực ven biển huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đã và đang được phủ một màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng sú, vẹt, bần chua... phát triển xanh tốt, vươn mình trước biển. Ở Kim Sơn, có nhiều nơi cây đã phát triển cao lớn tới 3 - 5 m, gốc to tạo thành những bộ rễ lớn giữ đất, chống xói lở, xâm thực rất hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Hà (huyện Kim Sơn) cho biết ngày trước cứ tới mùa mưa bão là người dân rất lo lắng. Khi ấy, không có cây cối che chở nên sóng biển cứ xô thẳng vào chân đê, tràn vào đồng ruộng, ao nuôi thủy sản. Từ khi được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ địa phương, những cánh rừng ngập mặn đã được trồng, diện tích cứ tăng dần lên theo từng năm và giờ đã hình thành nên "bức tường xanh" bảo vệ đê điều, làng mạc bên trong. Từ đó, giúp phát huy hiệu quả rừng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ các tuyến đê biển; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.           

2. Người dân hưởng lợi từ rừng ngập mặn

Người dân thả lồng bát quái mưu sinh trong rừng ngập mặn

Những cánh rừng ngập mặn thành hình không chỉ tạo "bức tường thành" vững chắc trước biển mà còn tạo ra nguồn thủy sinh dồi dào ngay dưới tán rừng. Tôm, cá, cua, cáy… có nơi trú ngụ, sinh sôi nảy nở, từ đó, giúp cho những người dân, đặc biệt là những người không có tàu thuyền đi biển, ngày ngày vào rừng mưu sinh, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn, đời sống của hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển huyện Kim Sơn được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình khó khăn, không có tàu thuyền đi biển, hằng ngày vẫn có thể bắt cua, ốc... ở rừng ngập mặn để mưu sinh.

Ngoài khai thác nguồn lợi thủy - hải sản dưới tán rừng, khi tới mùa hoa sú, vẹt nở, nghề nuôi ong lấy mật ở Kim Sơn cũng phát triển, giúp nhiều hộ nuôi ong có nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi mùa.

Cũng là một người thường xuyên đưa đàn ong về vùng rừng ngập mặn này lấy mật, anh Trần Văn Lợi chia sẻ: Nghề nuôi ong cho thu nhập cao song không phải ai cũng theo được vì nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó. Như thời điểm này, thời tiết nắng nóng gay gắt, những người nuôi ong như anh phải thường xuyên chăm chút cho đàn ong, làm mái che để tránh tia nắng mùa hè trực tiếp chiếu vào tổ, vệ sinh thùng ong cẩn thận, sạch sẽ. Thường xuyên đảo cầu để mật lên đều, kiểm tra từng thùng ong xem ong có khỏe mạnh, lấy đủ lượng phấn hoa cần thiết hay không. Bên cạnh đó, còn phải nắm bắt được diễn biến sức khỏe của từng đàn ong bởi đây là loài rất nhạy cảm với thời tiết và dễ nhiễm bệnh.

Để bảo vệ rừng ngập mặn ngày càng tươi tốt tại các xã ven biển huyện Kim Sơn, các đoàn thể và lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ động vận động các hộ dân nạo vét làm sạch môi trường, đẽo bỏ những con hà bám vào thân cây.

Đồng thời, chính quyền địa phương đã đến tận nhà tuyên truyền tới người dân hiểu về vai trò của rừng đem lại, cũng như việc khai thác đúng cách nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng được lâu bền.


PN (Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN