Niềm vinh dự lớn lao
(ĐCSVN) – Tròn 70 năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân Thanh Hóa luôn tự hào, bởi trong chiến dịch đó, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa luôn là hậu phương lớn, đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 tìm hiểu về chiếc xe đạp thồ huyền thoại của ông Cao Văn Tỵ, ở thị xã Thanh Hóa (nay là TP. Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa đạt thành tích 325kg/chuyến tiếp vận chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng” do Cục Chính trị Quân khu 4 phối hợp Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức. |
Chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, về các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện xúc động về một thời gian khổ, kiên cường mà rất đỗi tự hào của thế hệ cha ông đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Dù tuổi cao, sức khỏe yếu, trí nhớ có phần giảm sút nhưng khi trò chuyện với chúng tôi về Chiến dịch Điện Biên Phủ, ánh mắt cụ Lương Văn Nhân, cựu dân công hỏa tuyến ở huyện Quan Hóa lại bừng sáng. Những kỷ niệm ấy lại ùa về còn nguyên cảm xúc. Cụ Nhân chia sẻ: “70 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi lại nhớ về những kỷ niệm đẹp nhất của thời “mưa dầm, cơm vắt”. Mặc dù Thanh Hóa ở xa chiến trường Điện Biên Phủ, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, hiểm trở, nhưng đây là một trong những hậu phương chủ chốt cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch. Đường lên Tây Bắc phải trèo đèo, lội suối, có những đoạn phải vừa đi, vừa mở lối, nhưng chúng tôi đã khắc phục bằng mọi cách để cung cấp kịp thời sức người, sức của, quyết tâm cùng cả nước đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi cuối cùng”.
Khó khăn, vất vả, hi sinh là vậy nhưng ngày đó ai ai cũng hăng hái tham gia chiến dịch. Cả làng, cả xã đua nhau đi như trẩy hội. Bằng những chiếc xe đạp thồ cùng đôi quang gánh thô sơ, lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Thanh Hóa đã vượt hàng trăm cây số đường rừng giữa mưa bom bão đạn, dốc cao, vực sâu, để đưa hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men... vào chiến trường. Cụ Lương Văn Nhân nhớ lại: “Mỗi một xe thồ ngày ấy gồm 3 người, một người cầm lái và 2 người đẩy, đến những đoạn đường trơn, dốc đứng một người đi trước để kéo bánh xe lên. Gian khổ thế nhưng tuyến đường tải lương vẫn vui như trẩy hội, từng đoàn xe thồ và gánh bộ, rồi ngựa thồ, vận tải đường sông, ô tô vận tải quân khí rầm rập lên chiến trường Điện Biên Phủ hằng đêm để che mắt kẻ thù”.
Còn cụ Lê Xuân Chức, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351 chia sẻ: “Từ trung tuần tháng 01/1954, trước sự thay đổi về tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định thay đổi phương châm chỉ đạo tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Vừa kéo pháo vào trận địa, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 được lệnh hoãn tiến công, kéo pháo trở lại vị trí cũ. Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra còn khó khăn gấp bội. Phát hiện ra con đường kéo pháo của ta, hằng ngày, các loại máy bay trinh sát, máy bay khu trục luân phiên nhau chỉ điểm, bắn phá, ném bom napan. Đêm đến đại bác địch từ Mường Thanh bắn ra. Đến rạng sáng 4/2/1954, đợt kéo pháo bằng tay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của Trung đoàn kết thúc thắng lợi. Đây là sự kiện lịch sử phi thường, đầy gian lao thử thách, hi sinh nhưng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội Pháo cao xạ... Trong Chiến dịch này, Trung đoàn đã bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác”.
Những câu chuyện, những kỷ niệm về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cứ thế được các cụ từng là bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong,... chia sẻ với niềm vinh dự, tự hào đã truyền lửa cho chúng tôi hiểu sâu hơn về lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, về những người anh hùng áo vải.
70 năm đã trôi qua, những kỷ niệm về một thời gian khổ nhưng rất đỗi tự hào, đã góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của hàng nghìn người con Thanh Hóa không bao giờ phai nhạt. Cả một thế hệ mang trong mình trái tim “rực cháy”, vượt mọi gian lao, chịu đựng gian khổ, hi sinh để góp phần đánh thắng kẻ thù, giải phóng dân tộc. Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng”, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, đã huy động 178.924 dân công hỏa tuyến (dài hạn và ngắn hạn), 18.890 thanh niên lên đường tòng quân.
Không chỉ là hậu phương lớn chi viện về sức người, Thanh Hóa còn là hậu phương lớn cung cấp lương thực, thực phẩm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổng kết cả 3 đợt của chiến dịch, số lương thực Trung ương giao cho Thanh Hóa là 28.000 tấn, nhưng tỉnh đã huy động lên tới 34.927 tấn. Số thực phẩm gửi ra chiến trường là 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai lọ nước mắm, 450 tấn cá khô cùng hàng trăm tấn rau các loại. Trong suốt chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động tới 16.000 chiếc xe đạp thồ, 1.126 thuyền, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi vận chuyển lương thực, thực phẩm lên Điện Biên.
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa càng vinh dự và tự hào hơn bởi trong chiến công đó có sự đóng góp rất lớn của tỉnh nhà. Những đóng góp to lớn đó đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta ghi nhận. Đặc biệt, trong lần về thăm Thanh Hóa (ngày 13/6/1957) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp, hi sinh của tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xây dựng “Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu”./.