Niềm tin và sức hút từ chất lượng, an toàn tài chính
(ĐCSVN) - Thời gian qua, chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán (CTCK) đã có nhiều tiến triển tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của thị trường chứng khoán (TTCK), các CTCK cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật chứng khoán, nâng cao chất lượng hoạt động và an toàn tài chính để đảm bảo hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, góp phần hỗ trợ cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có chỉ đạo yêu cầu các CTCK nâng cao chất lượng hoạt động và an toàn tài chính (Ảnh: HN) |
Thực tế, những chuyển động trên TTCK trong thời gian qua không chỉ có sự tăng/giảm của VN Index mà còn rất nhiều những thay đổi khác mang tính tích cực, nhất là trong việc củng cố niềm tin cho nhà đầu tư (NĐT).
Một NĐT cá nhân với thâm niên hơn chục năm tham gia TTCK chia sẻ, năm 2022 do đã từng mua vào một cổ phiếu của một doanh nghiệp mà sau này lãnh đạo đã bị xử lý hình sự vì làm giá, về sau anh nhận được cuộc gọi từ cơ quan chức năng để hỏi về những thiệt hại, ảnh hưởng của mình.
NĐT này chia sẻ, anh rất bất ngờ vì được biết số lượng NĐT tham gia này là rất lớn và không nghĩ rằng cơ quan chức năng có thể hỏi được chi tiết đến từng người như vậy. Ngoài nghiệp vụ, chuyên môn, tôi nghĩ đây là nỗ lực rất lớn của cơ quan chức năng. Điều này xứng đáng được ghi nhận vì niềm tin của NĐT về mặt dài hạn sẽ được củng cố, nhất là niềm tin, cảm giác an toàn khi tham gia TTCK.
Không chỉ vậy, trong suốt thời gian “sóng gió” vừa qua, trên TTCK cũng đã xuất hiện tin đồn về việc không ít vụ việc làm giá bị phát hiện bởi tố cáo từ phía NĐT. Thông tin chính xác nhất chắc chắn phải từ cơ quan chức năng, nhưng cần bàn đến việc: NĐT có thể tố cáo việc làm giá chứng khoán. Chưa cần nói đến NĐT tổ chức, rất nhiều NĐT cá nhân, bằng kinh nghiệm, các công cụ, nguồn tin của mình, thừa sức phát hiện hoặc đặt ra những nghi vấn có cơ sở liên quan đến hoạt động thao túng giá chứng khoán. Như vậy, nếu cơ quan quản lý có thể tiếp nhận, xử lý nhanh chóng các tố cáo liên quan đến làm giá nhanh chóng thì chính các NĐT cũng có thể là một bộ lọc hữu hiệu để phát hiện những điểm bất thường…
Kỳ vọng về sự thay đổi suy nghĩ của các NĐT sẽ là một đòn “chí mạng” vào hoạt động làm giá. Chẳng hạn, vẫn có những suy nghĩ kiểu như CP bị làm giá, nhưng nếu có khả năng tăng, tại sao không… nhảy vào thử vận may rồi bán nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, theo thời gian, những suy nghĩ này nhiều khả năng sẽ giảm đi khi NĐT phát hiện dấu hiệu bất thường và thông báo đến cơ quan quản lý. Một chi tiết đáng lưu ý là lâu nay, CTCK cũng phát đi rất nhiều tín hiệu để cảnh báo về CP có dấu hiệu làm giá. Theo đó, những CP dù có thanh khoản lớn, đủ tiêu chuẩn để cấp vốn vay nhưng nếu nhận thấy những dấu hiệu “bất ổn”, nhiều CTCK sẽ từ chối. Một trường hợp tương đối điển hình là CTCK HSC, vốn nổi tiếng bởi sự cẩn trọng, từ lâu đã nói không với nhiều CP “siêu thanh khoản” nhưng có dấu hiệu làm giá.
Khi mà các giải pháp kiểm soát, cảnh báo hoạt động làm giá ngày một chặt chẽ hơn thì điều kiện cần cuối cùng chính là suy nghĩ nghiêm túc của NĐT về việc kiên quyết nói không. Chỉ cần NĐT tránh xa hoặc lên tiếng mạnh mẽ thì các động thái làm giá sẽ không thể lộ liễu xuất hiện và trục lợi được nữa, qua đó TTCK sẽ có tính chất chọn lọc cao hơn, nền tảng được củng cố về mặt dài hạn.
Đó chỉ là minh chứng về một trong vô vàn hoạt động diễn ra hằng ngày trên TTCK. Thực tế, trên TTCK không chỉ có mỗi việc “chặn” hành vi làm giá, mà trong bối cảnh mới của TTCK, các CTCK cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật chứng khoán, nâng cao chất lượng hoạt động và an toàn tài chính để đảm bảo hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, góp phần hỗ trợ cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững
Đơn cử, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), thời gian qua, 73 thành viên CTCK về cơ bản duy trì các điều kiện đăng ký thành viên; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin là nền tảng cho thị trường hoạt động thông suốt, an toàn; đồng thời, công tác phát triển nhà đầu tư được các công ty chú trọng. Cùng với đó, thông qua các đợt tăng vốn, năng lực tài chính của các CTCK thành viên ngày một cải thiện, qua đó giúp các CTCK đầu tư công nghệ hiện đại hỗ trợ nhà đầu tư thuận tiện trong giao dịch chứng khoán; góp phần bảo đảm giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư, mở rộng quy mô và dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư… Song, trong thời gian tới, các CTCK cũng cần tăng cường tính tuân thủ, nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK; quy chế, quy trình của các Sở giao dịch chứng khoán.
Bên cạnh đó, mặc dù bước đầu đã triển khai hoạt động giám sát giao dịch tại công ty, tuy nhiên trong thời gian tới, cần phối hợp với cơ quan quản lý và các Sở hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát tuyến một tại các CTCK thành viên và triển khai thực hiện công tác giám sát tuyến một hiệu quả.
Trên phương diện cơ quan quản lý nhà nước trong việc vận hành TTCK Việt Nam, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có chỉ đạo yêu cầu các CTCK nâng cao chất lượng hoạt động và an toàn tài chính. Cụ thể, yêu cầu các CTCK tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật hiện hành trong hoạt động kinh doanh chứng khoán; không được thực hiện hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, tài chính khi chưa được UBCKNN cấp phép, chấp thuận hoặc chưa báo cáo cơ quan này theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, các CTCK không được thực hiện hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ khi chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh ngoài quy định của Luật Chứng khoán. Cùng với đó, các CTCK phải tuân thủ nghiêm quy định về quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT, không được thực hiện các hoạt động làm cho công chúng đầu tư hiểu rằng CTCK huy động tiền gửi; đảm bảo khả năng thanh khoản, chi trả tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT trong mọi tình huống.
Đặc biệt, theo thông tin từ UBCKNN, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các CTCK tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm của CTCK theo quy định tại Điều 89 Luật Chứng khoán và quy định pháp luật có liên quan.
Thực tế, hệ thống các CTCK đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển tích cực, minh bạch của TTCK. Do vậy, “sức khỏe” hoạt động của các CTCK, cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng được tăng tăng cường sẽ góp phần hỗ trợ TTCK phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Những năm vừa qua, công tác tái cấu trúc hệ thống CTCK luôn là một lĩnh vực được cơ quan quản lý chú trọng và là một trong 4 trụ cột tái cấu trúc của toàn TTCK. Hiệu quả sau quá trình tái cấu trúc hệ thống CTCK đã thấy rõ, khi nhiều công ty có sự triển vượt bậc về đội ngũ nhân sự, các chỉ tiêu an toàn tài chính, đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin... Tuy vậy, trong bối cảnh mới của thị trường, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các CTCK tiếp tục là một ưu tiên lớn của cơ quan quản lý.
Theo theo đại diện UBCKNN, cơ quan quản lý đã chỉ đạo các CTCK tăng cường công tác quản lý người hành nghề chứng khoán; yêu cầu người hành nghề chứng khoán tại công ty nghiêm túc chấp hành: khi tư vấn cho khách hàng phải công bố số chứng chỉ hành nghề chứng khoán; không được tham gia các diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng (ngoài diễn đàn, hội nhóm được CTCK đồng ý, chấp thuận) để tư vấn đầu tư tài chính, chứng khoán, lôi kéo NĐT mua, bán chứng khoán với tư cách đại diện CTCK.
“Khi tham gia các diễn đàn, hội nhóm được CTCK chấp thuận, người hành nghề chứng khoán phải tuân thủ trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán, không được thực hiện các hành vi bị cấm, các hành vi mà CTCK bị hạn chế hoặc không được phép thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành”, đại diện UBCKNN cho biết them.
Cơ quan quản lý yêu cầu các CTCK tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Theo dõi, nắm bắt thông tin về các đường link lạ dẫn đến trang thông tin điện tử (website) giả mạo CTCK, các website, mạng xã hội, diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu của CTCK. Khi phát hiện các đường link, website, mạng xã hội, hội nhóm, diễn đàn trên không gian mạng có nghi vấn giả mạo, CTCK cần thông báo ngay cho cơ quan công an, kịp thời cảnh báo để có biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi thông tin nghi vấn trên không gian mạng để kịp thời cảnh báo phương thức, thủ đoạn của các đối tượng giả mạo website của CTCK nhằm mục đích thực hiện huy động vốn trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của NĐT, các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thực tế minh chứng, vai trò của TTCK rất quan trọng trong nền kinh tế. Hiện nay, hằng ngày thông tin về TTCK luôn được các NĐT, DN rất quan tâm, thậm chí lãnh đạo các nước cũng quan tâm. Tuy vậy, thời gian qua, thị trường đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: nhiều chỉ số của TTCK chưa phản ánh đúng “sức khỏe” của nền kinh tế; đã có những dấu hiệu của đầu cơ, lũng đoạn trên thị trường; đã có một vài dấu hiệu tiêu cực ở một số công ty trong vấn đề niêm yết cũng như phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Do đó, việc tăng cường thanh tra, giám sát, đặc biệt là việc cơ quan quản lý chủ động chỉ đạo sát sao các hoạt động cụ thể để bảo đảm TTCK phát triển lành mạnh là việc làm thường xuyên và nên làm.
Như nhận định của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM khi phát biểu trên diễn đàn Quốc hội: “Thời gian vừa qua, chúng ta có làm nhưng chậm nên dẫn đến thị trường “rung lắc” trong một giai đoạn nhất định. Tuy vậy, cần hiểu rằng đã là đầu tư, có lợi nhuận thì cũng có rủi ro. Cho nên vấn đề còn lại là chúng ta phải tạo ra một thể chế công bằng, bảo đảm quyền lợi bình đẳng cho các NĐT, kể cả các NĐT nhỏ lẻ”.
Thiết nghĩ, hiện các công cụ pháp lý trong quản lý, vận hành TTCK đã có, còn lại là phải tăng cường kiểm tra, giám sát và phải xử lý nghiêm những hành vi của các nhà đầu cơ lũng đoạn trên thị trường và cả những tổ chức có sai phạm với mức phạt nặng hơn so với lợi nhuận họ đạt được nhằm làm trong sạch TTCK, công bằng với các NĐT khác.
Và đặc biệt, cơ quan chức năng yêu cầu các CTCK tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật hiện hành trong hoạt động kinh doanh chứng khoán; không được thực hiện hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, tài chính khi chưa được UBCKNN cấp phép, chấp thuận hoặc chưa báo cáo cơ quan này theo quy định của pháp luật... như UBCKNN đã và đang làm một cách mạnh mẽ, nhằm tạo minh bạch, công khai cho TTCK là rất cần thiết. Bởi quan trọng là việc này sẽ góp phần tạo niềm tin và sức hút về một nền kinh tế vĩ mô ổn định để thu hút nhiều hơn nữa các NĐT trong và ngoài nước vào thị trường tài chính, TTCK Việt Nam./.