Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những nguyện vọng chính đáng của cử tri Thủ đô

Thứ Ba, 05/07/2022 09:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Kỳ họp thường kỳ giữa năm 2022 của HĐND thành phố (TP) Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân Thủ đô. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri đã nêu 260 câu hỏi, ý kiến liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, quản lý - phát triển đô thị, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng chung cư cũ, giải pháp giảm ùn tắc giao thông, công tác xây dựng nông thôn mới…

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm tại cuộc tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND TP (Đơn vị bầu cử số 2) trước Kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 

Đa dạng cơ chế đặc thù để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Đa số cử tri bày tỏ mong muốn thành phố có cơ chế đặc thù để phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, cũng như có chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất khi giá xăng dầu, và các chi phí đầu vào sản xuất tăng cao.

Theo cử tri huyện Gia Lâm, thủ tục thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể (giá đầu đi và đầu đến) của các sở, ngành liên quan đã có quy định, hướng dẫn (thời gian thực hiện là 32 ngày hành chính) nhưng quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài (thường tới 5-6 tháng, có những dự án kéo dài hơn 1 năm) dẫn đến tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng chậm. Vì vậy, thành phố cần quan tâm, xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất cụ thể.

Cử tri các quận, huyện Long Biên, Hoài Đức, Ba Vì đề nghị sớm xem xét về giá đền bù đối với đất ao, đất vườn liền kề là 252.000 đồng/1m2, đất nông nghiệp là 162.500 đồng/m2, giá đất ở nông thôn… quá thấp so với giá của thị trường, đang gây khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Cử tri huyện Hoài Đức đề xuất thành phố xem xét, quyết định để lại tiền đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp công ích (giao đất hoặc cho thuê đất) cho UBND cấp xã để tổ chức quản lý, tạo điều kiện hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách (hiện tại số tiền này được hạch toán vào ngân sách huyện).

Hiện nay, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo Quyết định số 54/2016/ QĐ-UBND ngày 31-12-2016 của UBND TP là 3.000 đồng/ người/tháng đối với khu vực ngoại thành thực tế không đủ cân đối cho công tác duy trì vệ sinh môi trường ngõ xóm. Cử tri huyện Đông Anh đề nghị xem xét sớm điều chỉnh mức giá để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo cân đối thu chi và duy trì vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, cử tri các huyện: Mê Linh, Quốc Oai đề nghị thành phố xem xét, quan tâm công tác quản lý cán bộ lãnh đạo chủ chốt, tránh trường hợp cán bộ vi phạm dẫn đến kỷ luật; có cơ chế, chính sách kiểm soát quyền lực đối với những người có chức vụ.

Ngoài ra, nhiều cử tri quan tâm, đồng thời mong muốn thành phố không tăng học phí trong năm học tới, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, giá xăng, dầu đang tăng…

Cần quản lý tốt hơn nữa về đất đai, quy hoạch

Bên cạnh việc kiến nghị các cơ chế đặc thù để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cử tri cũng mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, tài nguyên, đất đai, môi trường…

Cử tri quận, huyện: Long Biên, Hoài Đức, Ba Vì cho rằng giá đền bù đối với đất ao, đất vườn liền kề 252.000 đồng/m2, đất nông nghiệp là 162.500 đồng/m2 là quá thấp so với giá thị trường, gây khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, thành phố sớm xem xét nâng mức giá.

Liên quan đến công tác quy hoạch, cử tri các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng; giảm thiểu lấp ao, hồ.

Hiện nay, tại tuyến đường Lê Văn Lương tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra do có nhiều khu đô thị, nhà chung cư, nên cử tri quận Cầu Giấy đề nghị thành phố xem xét kiểm tra lại chủ trương quy hoạch, xử lý trách nhiệm của cán bộ nếu có sai phạm.

Đa số cử tri bày tỏ mong muốn thành phố có cơ chế đặc thù để phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. 

Còn cử tri các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đề nghị thành phố rà soát lại toàn bộ những chung cư cũ cần xây dựng lại, chia thành các nhóm để từ đó có lộ trình triển khai thực hiện.

Đặc biệt, cử tri các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên, Nam Từ Liêm phản ánh, việc giải quyết úng ngập không được như kỳ vọng; đề nghị cần xem xét lại công tác quản lý, có giải pháp tổng thể chống úng ngập, quan tâm đầu tư hệ thống thoát nước trên địa bàn.

Cử tri quận Bắc Từ Liêm đề xuất thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh chiều cao tầng đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu nhà ở hiện có (nằm ngoài khu vực bảo tồn, khu vực di tích lịch sử-văn hóa, phù hợp về mục đích sử dụng đất theo quy hoạch phân khu) để tạo điều kiện cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở.

Về hạ tầng giao thông, cử tri huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây đề nghị sớm triển khai dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 21 đoạn từ nút giao Đại lộ Thăng Long đến thị xã Sơn Tây. Dự án tuyến xe buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được thực hiện nhằm giảm tải ùn tắc giao thông tại các tuyến đường, nhưng sau 5 năm triển khai vẫn không đạt được kỳ vọng; cử tri quận Cầu Giấy đề nghị thành phố đánh giá lại hiệu quả dự án, từ đó có giải pháp khắc phục.

Cử tri huyện Chương Mỹ đề nghị phân cấp cho cấp huyện xác định chỉ giới đường đỏ và số liệu hạ tầng kỹ thuật để đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư các dự án trên địa bàn huyện; xem xét, giao nhiệm vụ toàn diện cho cấp huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn. Cử tri huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo sớm triển khai dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 21 đoạn từ nút giao Đại Lộ Thăng Long đến thị xã Sơn Tây.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết, những mong muốn, phản ánh, kiến nghị của cử tri Thủ đô là chính đáng. Ngoài chuyển kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời, giải quyết, Thường trực HĐND TP cũng sẽ lựa chọn những vấn đề phù hợp để đưa vào nghị trường. Đặc biệt, tiếp thu các kiến nghị cử tri, vấn đề tăng học phí ở các bậc học chưa được HĐND TP xem xét, thông qua ở kỳ họp này./.

Trung Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN