Những kết quả toàn diện trong “Năm dân vận chính quyền 2018”
(ĐCSVN) - Người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công tác dân vận gắn với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác dân vận và đánh giá kết quả "Năm dân vận chính quyền 2018" - ảnh: HM
Việc triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền 2018” được cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện khá đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, với nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung xây dựng chính quyền trong sạch theo phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” với 6 định hướng lớn, đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động.
Một trong những nội dung của “Năm dân vận chính quyền 2018” được các đại biểu đánh giá cao tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác dân vận diễn ra ngày 10/1, là đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện tinh giản biên chế, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nội dung này đã được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án, ban hành quy định về cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh và danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; quyết liệt, đôn đốc kiểm tra việc triển khai thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các thủ tục hành chính cho người dân.
Năm 2018, Chính phủ đã trình và ban hành theo thẩm quyền 28 văn bản quy phạm pháp luật gồm 3 luật và 25 nghị định, cắt giảm, đơn giản hóa 3346/6191 (đạt 54%) điều kiện kinh doanh; Chính phủ ban hành 3 nghị định, các bộ ngành đã ban hành 01 quyết định 17 thông tư để cắt giảm 6776/9926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành; giúp tiết kiệm 17,6 triệu ngày công/1 năm tương đương gần 6.300 tỷ đồng/1 năm. Điển hình một số bộ đã đơn giản hóa, cắt giảm vượt mục tiêu 50% như: Bộ Công thương cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh, vượt 11,2%; Bộ Y tế đơn giản, cắt giảm 1.343/1.871 đăng ký kinh doanh, vượt 43,56%; Bộ Xây dựng cắt giảm 183/215 đăng ký kinh doanh, vượt 70,23%; Bộ Tài chính đơn giản, cắt giảm 117/370 đăng ký kinh doanh, đạt 63,24%, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đơn giản, cắt giảm 60/112 đăng ký kinh doanh, vượt 7,14% và 75/85 thủ tục hành chính…
Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến. Hiện đã có 17/19 bộ, cơ quan ngang bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Tính đến quý IV năm 2018, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 các bộ, ngành đã cung cấp là 1.721 dịch vụ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 45.274 dịch vụ.
Song song với đó, việc hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước đạt nhiều kết quả tích cực; hiện có 18 bộ, ngành địa phương xây dựng Trung tâm dữ liệu, trang thiết bị đảm bảo an toàn thông tin.
Tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân
Đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khẳng định thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường, nâng cao chất lượng tiếp xúc đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lựa chọn vấn đề thiết thực, liên quan đến lợi ích của nhân dân để bàn và ban hành các chủ trương, nhất là các cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp; quá trình triển khai đã kịp thời đánh giá, xem xét bổ sung, điều chỉnh sát với tình hình thực tiễn. Tỉnh chỉ đạo, tổ chức các đoàn cán bộ xuống cơ sở tiếp xúc với nhân dân nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân; tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra, xử lý các vấn đề phức tạp, các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp kéo dài để xem xét, xử lý triệt để.
“Khi thực hiện công tác vận động quần chúng, cán bộ phải đi lại nhiều lần, xuống cơ sở gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ với người dân, từ đó có cách thức tuyên truyền hợp lý, vận động để người dân ủng hộ, đồng thuận và thực hiện các chủ trương của tỉnh đề ra”. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ.
Đồng chí Bùi Văn Hải khẳng định: Thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền 2018" đã có sức lan tỏa, thúc đẩy, khích lệ các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên trong tỉnh ra sức thi đua trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội địa phương từ đầu nhiệm kỳ 2015- 2020 đến nay phát triển toàn diện, nhất là năm 2018 với nhiều điểm nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16%, đứng thứ 3 toàn quốc, dẫn đầu trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và trong 10 tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội. Bắc Giang là tỉnh thu hút FDI đứng thứ 9 cả nước về số dự án mới, thứ 12 về số vốn đăng ký và tăng thêm. Các chính sách an sinh, xã hội, giảm nghèo được thực hiện tốt; đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên.
Còn theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum: Tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh thực hiện việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nhất là các hộ người dân tộc thiểu số. Mỗi cấp ủy từ tỉnh, huyện, xã đều phân công một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách công tác dân vận. Người đứng đầu cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân để nắm bắt, giải quyết các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Việc thực hiện tốt công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) năm 2018 của Kon Tum đạt 13.443 tỷ đồng, tăng 9,29% so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người từ 31,96 triệu đồng lên 37,49 triệu; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm còn 132.187 hộ, chiếm 16,18% tổng số hộ dân trong toàn tỉnh; quốc phòng, an ninh trong tỉnh được giữ vững, không xảy ra tình trạng bạo loạn, tạo thành “điểm nóng”…
Trong báo cáo kết quả “Năm dân vận chính quyền 2018”, Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Từ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của chính quyền các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Quyền làm chủ của nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong quá trình triển khai nhiệm vụ của địa phương, đất nước.../.