Những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
(ĐCSVN) – Họ là những tấm gương tiêu biểu, chân thực, thật sự là những bông hoa đẹp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, xứng đáng là những điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Khi được tuyên dương là một trong những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2010- 2015, ngoài niềm vinh dự và tự hào, ông Tao Văn Khứn - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh (CCB) tỉnh Điện Biên tự nhận thấy, bản thân phải phấn đấu, phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cống hiến cho quê hương, đất nước. Ông Khứn cho rằng, việc học theo Bác là thường xuyên, là hằng ngày, với người cán bộ thì điều đó càng quan trọng hơn, nhất là việc nêu gương của người cán bộ, lãnh đạo.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên Tao Văn Khứn chia sẻ, là người được trưởng thành từ trong môi trường quân đội, sau khi rời quân ngũ, năm 1990, ông công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Với ông, cả cuộc đời từ thời niên thiếu cho đến bây giờ thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ là lý tưởng, là lẽ sống của riêng bản thân ông. Chính vì vậy, trong các giai đoạn cách mạng của Đảng, của đất nước, ông luôn xung phong đi đến những vùng khó khăn nhất và đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
May mắn hơn nhiều đồng đội của mình, khi trở về, dù ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn gắn bó, gần gũi với các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc. Ông nhớ lại: “ Ngày tôi còn làm ở Bộ Chỉ huy quận sự tỉnh, có thời điểm nhân dân ở vùng xã Na Co Sa (huyện Nậm Pồ) bị kẻ xấu kích động, lợi dụng để tuyên truyền, nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước, tôi và nhiều chiến sĩ của mình đã trực tiếp xuống cùng ăn, cùng ở với nhân dân, dạy học cho trẻ em và người dân tại đây; dựng lán khám, chữa bệnh cho đồng bào, dạy cho đồng bào cách làm kinh tế…; qua đó, tuyên truyền đến đồng bào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhờ vậy, những âm mưu của kẻ xấu đã không thực hiện được”.
Theo ông, quan trọng nhất đối với mỗi cán bộ, đảng viên là cán bộ phải luôn tôn trọng, trân trọng người dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân; quan tâm đến đời sống của nhân dân, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “cán bộ là công bộc của dân”.
Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh, ông luôn gương mẫu trong mọi công việc, chỉ đạo các cấp Hội CCB coi trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ XHCN.
Ông cùng với Hội CCB đẩy mạnh phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Học và làm theo lời Hưởng ứng phong trào thi đua, nhiều CCB mạnh dạn tổ chức các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Với ý chí “Thắng không kiêu, bại không nản” cùng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, CCB tỉnh Điện Biên đã đạt những thành công đáng kể. Trong các cấp Hội đã xuất hiện nhiều CCB làm chủ các trang trại lớn, thu lãi từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Mỗi cấp hội một mô hình. Những mô hình như: Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh doanh tổng hợp của CCB thành phố Điện Biên Phủ; mô hình trồng cà phê của CCB Mường Ảng; mô hình trồng sa nhân, thảo quả, sơn tra của Hội CCB Tuần Giáo; mô hình trang trại, gia trại của huyện Nậm Pồ... đang phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Bên cạnh gương của CCB Tao Văn Khứn, còn rất nhiều các tấm gương điển hình khác, mà một trong những tấm gương tiêu biểu đó là cô giáo Mai Thị Bích Nguyện.
Nếu như lần đầu, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện và các cộng sự đạt giải Nhất với đề tài “Nghiên cứu, xây dựng phần mềm từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa trực tuyến” thì giải Nhất lần thứ hai thuộc về đề tài “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục” - phần mềm về theo dõi và đánh giá thi đua đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII (năm 2014 - 2015), là một phần thưởng xứng đáng cho cô giáo, Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) Mai Thị Bích Nguyện.
Cô Nguyện chia sẻ: Từ thực tiễn của người làm công tác giáo dục, cô nhận thấy, những tác động mạnh mẽ của các phong trào thi đua trong việc dạy và học. Tuy nhiên, việc tổ chức các phong trào thi đua cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế, một số phong trào chưa thực sự động viên, khuyến khích được người tham gia… Làm gì để thông qua các phong trào thi đua, cán bộ, giáo viên hăng hái thi đua nâng cao chất lượng dạy và học, không chạy theo thành tích luôn là điều trăn trở với cô. Cũng chính từ đó, cô đã nhen nhóm ý tưởng nghiên cứu “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục”.
Sau 3 năm nghiên cứu, phần mềm của cô Nguyện và các cộng sự đã chính thức được áp dụng vào thực tế. Phần mềm bao gồm bộ tiêu chí thi đua với 27 tiêu chí chính trong từng lĩnh vực hoạt động giáo dục, trong mỗi tiêu chí lại có nhiều chỉ số cụ thể để xác định nội hàm cho từng tiêu chí. Với hàng trăm chỉ số cụ thể, bộ tiêu chí đánh giá thi đua không chỉ cụ thể về nội dung, yêu cầu mà còn đảm bảo tính hợp lý, toàn diện, phù hợp với thực tiễn trường học…. Bên cạnh đó, phần mềm còn có khả năng áp dụng rộng rãi trong các mô hình nhà trường hoặc các đơn vị phòng, ban, sở, ngành, doanh nghiệp… Vì vậy, ngay sau khi biết về đề tài này, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tìm đến và cô giáo Nguyện không ngại chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu theo dõi, đánh giá thi đua tại đơn vị.
Thực tế, phần mềm của cô Nguyện và các cộng sự đã được áp dụng vào phong trào thi đua của nhà trường, nhờ đó đã đưa Trường THCS An Vũ từ một trường trung bình đã vươn lên thành trường có thành tích cao trong phong trào dạy và học của huyện Quỳnh Phụ.
Từ chỗ nhà trường chỉ có một giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi, thì nay, trường đã có 168 lượt giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; 19 lượt giáo viên nữ được cấp Trung ương, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Ở cương vị là một Bí thư Chi bộ, Hiệu trường nhà trường, cô luôn cùng với các đồng nghiệp của mình đoàn kết, đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý, thi đua trong công tác dạy và học. Cô đã giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, động viên các em vươn lên trong cuộc sống.
Với cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, những kết quả đạt được hôm nay chính là nhờ tinh thần đoàn kết, cố gắng nỗ lực không chỉ của cá nhân cô mà của cả tập thể trường THCS An Vũ trong việc cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo cô Nguyện, mỗi cá nhân, mỗi tập thể nên học tập và làm theo Bác. Là một cô giáo, mục tiêu của cô luôn hướng về học sinh, làm sao các em học tập tốt hơn, giúp phụ huynh yên tâm khi gửi con học ở trường; trong đó, người Hiệu trưởng phải gương mẫu để tạo hiệu ứng, sức lan tỏa trong cộng đồng giáo viên cũng như đối với tất cả mọi người.
Trên đây chỉ là hai trong số hàng ngàn tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong 5 năm qua. Họ là những tấm gương điển hình học và làm theo lời Bác một cách tự nguyện, tự giác bằng tất cả lòng thành kính của mình./.