Những con số biết nói!
(ĐCSVN) - Rác thải nhựa là một trong những vấn đề đáng báo động trong sản xuất Nông nghiệp. Nếu không có sự quan tâm, những giải pháp khẩn trương, bài bản và việc nâng cao ý thức của người sản xuất để giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa, khả năng chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn trong tương lai không xa.
Bể thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, túi ni-lông giúp hạn chế việc xả chất thải nhựa ra môi trường (Ảnh: Gia Hưng) |
Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng của quốc gia. Sản xuất nông nghiệp góp phần tạo ra nông sản, đóng góp lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho quốc gia và góp phần tạo ra giá trị lớn cho kim ngạch xuất khẩu,...
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, đó là sản xuất nông nghiệp cũng đang tạo ra những áp lực cho môi trường. Trong đó, có vấn đề về chất thải nhựa.
Theo số liệu báo cáo, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động trồng trọt (ni lông, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) xấp xỉ 661,5 nghìn tấn /năm, gồm 550 nghìn tấn ni lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm khoảng 67,93 triệu tấn; 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh khoảng 880 nghìn tấn bùn thải, 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.
Đây là những con số "biết nói", cho thấy vấn đề rác thải nhựa trong nông nghiệp đã đến mức báo động. Điều này cũng đòi hỏi chúng ta cần có các giải pháp khẩn trương để vừa phát triển sản xuất vừa bảo vệ môi trường.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Điều 73, khoản 2, chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Tại Điều 73, khoản 4, chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.
Tại Điều 61, khoản 3, bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải.
Thực tế hiện nay, việc thu gom, xử lý rác thải nhựa trong ngành nông nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, nguồn phát sinh chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp thường gồm các vật như: màng bảo vệ; túi ươm cây con; bao bì (bao bì hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đựng sản phẩm), bảo vệ sản phẩm (bao trái, bao hoa), khay mạ, sàn nuôi, máng ăn uống; hệ thống tưới, xử lý chất thải. Tuy nhiên, hiện nay, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom hết, hệ thống thu gom chưa đầy đủ. Màng phủ hầu như không được thu gom; cây ăn quả sử dụng ngày càng nhiều nhựa, chủ yếu để bọc quả,…
Nguyên nhân của những khó khăn trên do nguồn lực của chúng ta còn hạn chế dẫn đến chưa đủ đáp ứng triển khai các nhiệm vụ về quản lý chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp. Chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.
Đặc biệt là nhận thức của cộng đồng về tác động của chất thải nhựa đến sức khỏe, môi trường còn chưa cao. Các vật liệu sử dụng thay thế vật liệu nhựa trong sản xuất nông nghiệp còn ít, giá thành cao, khó cạnh tranh. Nhiều địa phương không bố trí hoặc bố trí quá ít cho hoạt động quản lý chất thải nhựa. Các quy định thiếu cơ chế kinh tế khuyến khích người sử dụng chủ động thu gom rác thải nhựa,…
Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, rất nhiều các giải pháp được các chuyên gia đề xuất. Đó là tạo cơ chế để doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật mở rộng phong trào đổi bao bì lấy sản phẩm. Cùng với đó là có chính sách hạn chế sử dụng bao bì nhựa và đặc biệt là bao bì dùng một lần. Đi cùng với đó là các giải pháp về kỹ thuật để giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng công nghệ sản xuất sinh thái để giảm sâu bệnh hoặc sử dụng những vật liệu tự hủy để sản xuất bao bì hoặc bao bì có thể tái sử dụng nhiều lần,…
Trong ngành chăn nuôi, PGS,TS. Ngô Thị Kim Cúc - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, cần chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ quy mô nhỏ, nông hộ sang trang trại hiện đại. Điều này sẽ giúp hạn chế bao bì dùng đựng thức ăn; hạn chế rác nhựa từ bạt che nắng mưa do không dùng bạt che chắn; hạn chế rác thải nhựa từ ống nước dùng để rửa chuồng,…Đặc biệt, cần chú trọng đến việc tái sử dụng, thu gom và tái chế vật dụng, bao, túi bằng nhựa. Những bao bì, vật liệu không thể tái sử dụng, rửa sạch, thu gom lại và chuyển cho cá nhân, tổ chức có thể tái chế.
Về vấn đề xử lý rác thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản, TS. Trần Văn Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho rằng, với lượng rác thải nhựa trung bình trong một ngày tại cảng cá, nếu được thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế cùng với cơ chế thu gom rác thải nhựa trên các tàu cá khi cập cảng sẽ góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho các công nhân vệ sinh cảng, các lao động tự do thu gom tại cảng.
Do đó, cần nâng cao nhận thức cho thuyền viên tàu cá và các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động dịch vụ thủy sản tại khu vực cảng cá thông qua các hình thức: truyền thông trên hệ thống loa phát thanh tại cảng; tờ rơi; bảng cam kết môi trường trên các tàu cá, doanh nghiệp tại cảng; đào tạo, tập huấn xử lý rác thải nhựa tại hiện trường,…
Đặc biệt là việc xây dựng và ban hành quy định về quản lý thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên các tàu cá và tại các cảng cá; xây dựng quy trình về kiểm soát, xử lý chất thải nhựa trên các tàu cá; tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tàu cá không tuân thủ theo quy định về quản lý rác thải nhựa trên tàu thuyền khi ra vào cảng cá. Đồng thời, thí điểm triển khai các mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá đưa vào bờ tại nơi thu gom của cảng cá.
Trước những bất cập của vấn đề rác thải nhựa, tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải trong ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp trong ngành thủy sản (để làm nổi các lồng bè nuôi cá). Xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển và thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế túi ni-lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần từ nông sản.
Để giảm thiểu rác thải nhựa, chắc chắn các lĩnh vực từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản,…sẽ cần rất nhiều các giải pháp cả về chính sách lẫn các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tác động của rác thải nhựa đến môi trường. Tuy nhiên, thiết nghĩ, vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức của mỗi người tham gia sản xuất nông nghiệp.
Đó là ý thức sử dụng đúng cách các sản phẩm có bao bì nhựa, có ý thức thu gom và xử lý rác thải nhựa đúng quy định. Đây là một trong những giải pháp hàng đầu cho chống rác thải nhựa trong nông nghiệp. Do đó, mỗi người sản xuất cần nâng cao ý thức của bản thân trong xử lý rác thải nhựa nhằm bảo vệ cho sản xuất và môi trường trong tương lai.
Song song với đó, chính quyền các địa phương cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khi sản xuất nông nghiệp không xả rác thải nhựa bừa bãi, có ý thức thu gom, phân loại, xử lý để bảo vệ môi trường; nhân rộng các mô hình thu gom chất thải nhựa hiệu quả,...
Tác hại của rác thải nhựa, chúng ta đã rõ. Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, rác thải nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng và oxi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.
Đối với sinh vật biển, việc xả thải rác thải nhựa tràn lan trên biển đã gây ra hiện tượng "ô nhiễm trắng" và làm ảnh hường nghiêm trọng đến cuộc sống của các loài thủy, hải sản, gây tử vong cho nhiều loài động vật. Việc trong sinh vật biển chứa nhiều mảnh vi nhựa các rác thải nhựa trôi nổi trên biển cũng là nguyên nhân gây phá huỷ hay suy giảm đa dạng sinh học và làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển.
Trong khi đó, với lượng rác thải nhựa lớn phát sinh từ ngành Nông nghiệp cho thấy, nếu không có sự quan tâm, những giải pháp khẩn trương, bài bản và việc nâng cao ý thức của người sản xuất trong vấn đề này, khả năng chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn trong tương lai không xa./.