Nhìn từ vụ giáo viên dùng dép đánh trẻ tại Hà Nội
(ĐCSVN) - Vụ bạo hành trẻ tại nhóm lớp độc lập tư thục Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đang gây phẫn nộ trong dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ, xử lý sự việc. Dù vậy, các bậc cha mẹ có con nhỏ vẫn không khỏi lo lắng về sự an toàn của con tại các cơ sở giữ trẻ.
Tóm tắt sự việc, ngày 5/2/2017, mạng xã hội xôn xao về một clip ghi lại hình ảnh cô giáo dùng dép tổ ong đánh liên tục vào đầu trẻ mầm non vì đã không đi tiểu tiện đúng chỗ. Bên cạnh đó, một cô giáo khác còn kéo tai, thúc gối vào bụng học sinh mầm non. Ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện các đơn vị của Sở GD&ĐT Hà Nội và Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng đã tiến hành xác minh, xử lý vụ việc.
Bước đầu, danh tính hai cô giáo trong clip được làm rõ là Đặng Thị Bình, sinh năm 1994, trú tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, hiện ở tại cơ sở mầm non Sen Vàng; Nguyễn Thị Hồng Ngát, sinh năm 1995, trú tại xã Yên Phong, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Chủ cơ sở trên là bà Vũ Thị Tân, sinh năm 1983, trú tại tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.
Tại cơ quan công an, hai giáo viên mầm non Nguyễn Thị Hồng Ngát và Đặng Thị Bình đã thừa nhận những hành vi bạo hành các cháu học sinh mẫu giáo cơ sở mầm non Sen Vàng.
Ngay khi sự việc xảy ra, các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc. Sáng 6/2, tại cuộc họp giao ban với các sở ngành, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ xử lý nghiêm 2 cô giáo trường mầm non Sen Vàng đánh học sinh.
Cũng trong sáng 6/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký công văn gửi Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu một số nội dung liên quan tới quản lý cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Công văn nêu rõ, đây là hành vi phản giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc dư luận xã hội và gây hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra làm rõ vụ việc, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời, chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm về công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đặc biệt là việc quản lý, cấp phép hoạt động các nhóm lớp độc lập tư thục; báo cáo kết quả về Bộ (qua Vụ Giáo dục mầm non) trước ngày 10/02/2017.
Đến hôm nay, Chủ cơ mầm non trường Sen Vàng - nơi phát hiện vụ cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ, đã chính thức xin lỗi các phụ huynh, nhận trách nhiệm và đồng thời xin giải thể.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2016 - 2017, cả nước hiện có gần 15.000 trường mầm non, tăng hơn 300 trường so với cùng kỳ năm học trước. Đáng chú ý, 2/3 số các trường tăng thêm này là trường ngoài công lập. Sự gia tăng nhanh chóng của loại hình trường mầm non ngoài công lập đang đặt ra cho các cấp quản lý nhiều vấn đề, trong đó nhức nhối nhất là tình trạng bạo hành trẻ.
Trao đổi với phóng viên liên quan đến sự việc trên, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với lãnh đạo sở, ban, ngành TP. Hà Nội chỉ đạo xử lý việc nhanh, đúng người, đúng việc.
“Tôi thấy rất đáng tiếc khi hiện tượng này xảy ra ngay giữa Thủ đô, bởi Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của cả nước. Hơn nữa, sự việc bạo hành trẻ em xảy ra ở nhiều nơi mà đã bị xử lý nghiêm khắc rồi. Đây là hành động vô cùng phản cảm và gây phẫn nộ trong dư luận” – PGS.TS Bùi Thị An nói.
Lý giải sự việc xảy ra, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, nguyên nhân có nhiều, nhưng trước hết chính là việc quản lý, lựa chọn giáo viên trong các cơ sở giáo dục là không chuẩn. “Rõ ràng, chúng ta đang đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, như tôi đã đề cập nhiều lần, việc đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ thầy cô giáo, từ đào tạo, chế độ đãi ngộ, từ quản lý… Việc dạy dỗ trẻ mầm non không đơn giản là dạy những cậu bé, cô bé. Nếu dạy dỗ tốt sẽ hình thành tính cách, phẩm chất tốt cho trẻ từ bé, sẽ thành công dân tốt, nguồn lực tốt thì khi đó mới tạo “nền” cho đất nước phát triển bền vững".
PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị nên rà soát lại toàn bộ các cơ sở giáo dục, trước mắt là các cơ sở giáo dục mầm non cả trong công lập và ngoài công lập, tập trung rà soát đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chế độ tài chính, chế độ chăm nuôi, thu chi, trên cơ sở đó có rà soát, phân loại, đánh giá.
“Nếu chưa đạt yêu cầu chuẩn thì phải đóng cửa luôn, không vì bất cứ lý do gì cả. Vì như vậy sẽ làm lợi cho xã hội, trước hết cho tương lai trẻ ở Hà Nội. Đề nghị sau khi rà soát cần công khai, minh bạch kết quả, công bố thông tin đại chúng để bố mẹ các cháu mầm non yên tâm gửi con” – PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.
Ở một góc độ khác, kết quả nghiên cứu của TS. Phạm Mạnh Hà, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy, người làm công tác giảng dạy có nguy cơ mắc stress (căng thẳng) nghề nghiệp cao hơn nhiều so với các ngành nghề khác. Điều này thể hiện rõ nhất ở giáo dục mầm non khi thực tế khảo sát cho thấy gần 60% số người được hỏi bị mắc stress nghề nghiệp. Những nguyên nhân khiến họ bị stress thường là do bị quá tải về công việc, thời gian làm việc nhiều, chế độ, tiền lương thấp…
Dù không đồng tình về hành động của hai cô giáo mầm non ở trường Sen Vàng, tuy nhiên, cô giáo Nguyễn Thị Yên, Trường mầm non Hoa Sữa (Hà Nội) chia sẻ làm rõ thêm, nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hành động mất kiểm soát là giáo viên mầm non bị nhiều áp lực tác động nên bị động, lúng túng, bí bách dẫn đến làm bừa. Đó là khi số trẻ đông vượt quá quy định của điều lệ, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ quản lý trường thiếu chuyên nghiệp…
Có lẽ, thời gian tới, ngành giáo dục, cơ quan chức năng sẽ có nhiều việc phải làm nhằm giảm tối đa bạo lực trẻ tại các cơ sở giáo dục. Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, ngoài kỷ luật cá nhân liên quan, Sở sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở mầm non tư thục toàn thành phố ngay trong tuần tới. Với các nhóm lớp không đủ điều kiện sau cấp phép, giáo viên không đạt trình độ nghiệp vụ, không có đạo đức nghề nghiệp thì sẽ bị đình chỉ để đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các lớp trong và ngoài công lập./.