Nhìn lại 1 năm tăng trưởng ấn tượng của ngành hàng cá tra
(ĐCSVN) - Năm 2022 được xem là một năm thắng lợi của ngành hàng cá tra khi kim ngạch xuất khẩu đạt kết quả rất cao, vượt đỉnh của năm 2018. Đây là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực và tận dụng tốt các cơ hội của doanh nghiệp, người nuôi cá tra,…Với kết quả này cũng cho ngành hàng những kinh nghiệm quý giá để tiếp tục đương đầu với những “sóng gió” trên thị trường khi bước sang năm 2023.
Năm 2022 được xem là một năm thắng lợi của ngành hàng cá tra (Ảnh minh họa: K.V) |
Các tháng đầu năm 2022, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 khi tỷ lệ dân số bị mắc bệnh tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và sự đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, từ Quý II năm 2022 đến nay, kinh tế thế giới và Việt Nam dần phục hồi, nhiều quốc gia đã mở cửa và nới lỏng các quy định phòng chống dịch COVID-19 để phát triển kinh tế. Các hoạt động xã hội, giao thương trở lại bình thường, các đơn hàng nhanh chóng được hoàn tất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Nằm trong bối cảnh đó, ngành hàng cá tra đã không ngừng tận dụng cơ hội để đạt những kết quả tăng trưởng ấn tượng và kỷ lục.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính đến 15/11/2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,23 tỷ USD, tăng tới khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, vượt qua đỉnh năm 2018 với 2,26 tỷ USD.
Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc (chiếm 30%), Hoa Kỳ (chiếm 23%). Riêng với thị trường Hoa Kỳ, trong 9 tháng năm 2022 đã nhập khẩu 104,5 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh, giá trị 445 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: EU, Thái Lan, Mexico... Giá xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng trung bình từ 28 - 66%.
Thắng lợi của ngành hàng cá tra còn có thể kể đến việc, mặc dù, tình hình lạm phát và bất ổn chính trị xảy ra ở một số quốc gia đã khiến giá dầu và giá vật tư đầu vào, nguyên liệu tăng, dẫn đến giá thành sản xuất và giá bán cá tra tăng đáng kể nhưng nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường đều tăng từ 40% đến 200%.
Cùng với giá trị xuất khẩu tăng, giá thu mua cá tra nguyên liệu cũng ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo VASEP, giá trung bình xuất khẩu cá tra phile tăng từ 28 - 66% so với cùng kỳ năm 2021, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng. Giá thu mua cá nguyên liệu trong năm 2022 duy trì mức 27.000 - 29.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giữ ở mức 30.000 -31.000 đồng/kg, cao hơn trung bình khoảng 7.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng về kết quả điều tra chi phí sản xuất và giá thành cá tra nguyên liệu đợt 1 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cho thấy, giá thành cá tra nguyên liệu dao động trong khoảng 25.000- 27.000 đồng/kg. Giá cá giống chiếm khoảng 8-10% giá thành. Do đó, với giá thu mua 29.500-30.000 đ/kg loại I, người nuôi có lãi, điều đó giúp duy trì bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.
Những kết quả trên của ngành hàng cá tra đạt được do rất nhiều yếu tố. Trước tiên, không thể không kể đến sự nỗ lực, tinh thần vượt khó của người dân, doanh nghiệp duy trì chuỗi sản xuất cung ứng, nỗ lực tận dụng cơ hội về thị trường và trong kinh doanh.
Thứ nữa, đó là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, các địa phương để xử lý các vướng mắc, khó khăn, các rào cản từ thị trường nhập khẩu, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi. Điều này có thể thấy rõ qua việc xử lý các rào cản kỹ thuật. Cụ thể, từ ngày 21/3-29/4/2021, cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ tổ chức đánh giá tương đương trực tuyến hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của Việt Nam. Kết quả, phía Hoa Kỳ kết luận không phát hiện bất kỳ sai lỗi đối với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của Việt Nam và thực thi các quy định trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Như vậy, cá và sản phẩm cá da trơn bộ Siluriform của Việt Nam được tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây là một nội dung quan trọng, góp phần duy trì và nâng cao kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cá tra vào thị trường Hoa Kỳ trong năm 2022.
Bên cạnh đó, đối với thị trường Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 quy định về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc và Lệnh 249 biện pháp quản lý giám sát an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc dựa trên nguyên tắc “An toàn là trên hết, phòng ngừa trước, quản lý rủi ro, kiểm soát toàn bộ quy trình và đồng quản trị quốc tế”.
Hai lệnh này áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Những nội dung có sự điều chỉnh như: Yêu cầu sự đánh giá phù hợp; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm của mình; chấp nhận phương thức đánh giá trực tuyến.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu từ thị trường Trung Quốc. Nhờ vậy, năm 2022, hoạt động xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh.
Cùng với đó, trong năm 2022, ngành hàng cá tra đã triệt để tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội. Đồng thời, sự gia tăng sản lượng trong năm đã góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng. Theo số liệu thống kê, sản lượng thu hoạch cá tra năm 2022 ước đạt 1,68 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 2/2022 tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ và sản lượng từ tháng 6-tháng 9/2022 duy trì trung bình ở mức 125.000-130.000 tấn/tháng, bằng 140% - 230% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng chính là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh thị phần tại thị trường EU.
Những yếu tố trên đã góp phần giúp ngành hàng cá tra đạt được kết quả kỷ lục với giá trị xuất khẩu dự kiến đạt 2,4 tỷ USD – một con số rất lớn của một ngành hàng, đóng góp quan trọng cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói riêng và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nói chung trong năm 2022.
Những yếu tố giúp ngành hàng cá tra giành được thắng lợi trong năm nay cũng chính là những bài học kinh nghiệm quý giá để ngành hàng nắm bắt, tiếp tục vượt qua những thử thách, tiếp tục đương đầu với những “sóng gió” của tình hình thị trường trong năm 2023, khi đây là năm được dự báo sẽ có nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đó là những tác động từ xung đột địa chính trị, tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản có xu hướng giảm sút, các nhà nhập khẩu cũng hạn chế nhập hàng nhằm giảm tối đa chi phí lưu kho, bảo quản. Do vậy giá trị kim ngạch xuất khẩu đã giảm trong các tháng cuối năm và có thể ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2023.
Bên cạnh đó là những thách thức về giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển đã và đang tăng khá cao sẽ gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu chững lại và hiệu quả sản xuất bị thu hẹp,…
Với mục tiêu đặt ra đạt 1,6 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu 2,3 tỷ USD trong năm 2023 đòi hỏi ngành hàng cá tra cần nâng cao năng lực để ứng phó với sự thay đổi của thị trường. Trong đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra nhằm khẳng định vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới.
Các doanh nghiệp cũng cần từng bước thay đổi phương thức và cách tiếp cận kinh doanh, phù hợp với thói quen tiêu dùng mới trong thời đại công nghệ 4.0 tăng cường thương mại điện tử.
Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tận dụng Hiệp định thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực từ 1/8/2020; kịp thời tháo gỡ các rào cản từ thị trường nhập khẩu. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin.
Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành sản xuất, nuôi có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ, như: việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung - cầu; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị. Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tính trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, tỉ lệ phile, chịu mặn...; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm cá tra.
Năm 2023 dự báo ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu như các doanh nghiệp biết nắm bắt những kinh nghiệm quý báu từ năm 2022 và tiếp tục linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, đón đầu các thị trường, đồng thời tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về con giống, nuôi trồng, quản lý điều kiện nuôi và các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm,… kỳ vọng xuất khẩu cá tra 2023 sẽ tiếp tục đạt được những kết quả khả quan trong năm tới./.