Nhiều ý kiến xung quanh dự thảo cơ chế hình thành quỹ bình ổn giá điện
(ĐCSVN) - Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh.
Nguồn ảnh: nld.com.vn
Dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công thương công bố để lấy ý kiến nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc công ty TNHH chế biến gỗ Thành Sơn, ở Nhật Tân, Kim Bảng (Hà Nam) cho biết: Đặc thù là doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ nên chỉ số tiêu thụ điện năng của chúng tôi trong một tháng khá lớn, do vậy, tôi rất quan tâm đến vấn đề giá điện. Đặc biệt, về dự thảo quỹ bình ổn giá điện, tôi thấy có vẻ không hợp lí, bởi xưa nay tôi chỉ thấy giá điện tăng chứ chưa giảm bao giờ, mà quỹ bình ổn hoạt động thì phải chi phối đến cả yếu tố tăng và giảm giá thành, còn như thực tế hiện nay, bình ổn giá có vẻ chỉ có lợi cho ngành điện….
Còn ông Hoàng Ngọc Vinh - chủ doanh nghiệp gia công, sản xuất kim khí Vinh Quang, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho rằng: Điện là loại hàng hóa đặc biệt và thiết yếu, rất cần được minh bạch về sản xuất và giá cả. Tuy nhiên những năm qua, doanh nghiệp chúng tôi gần như lệ thuộc và khá thụ động trong việc ký hợp đồng tiêu thụ với ngành điện. Nếu áp theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu đã giảm tới 2/3, thì đương nhiên giá điện sẽ phải biến động theo chứ không thể giữ nguyên như hiện nay được (thậm chí ngành điện đang trình tăng giá thêm 3% nữa thời gian tới). Trong khi giá thành sản xuất và chi phí đầu vào còn thiếu minh bạnh, nay ngành điện lại có thêm quỹ bình ổn thì có chăng chỉ bình ổn cho sự tăng giá thêm ổn định mà thôi!
Ông Phạm Trung Kiên, cán bộ hưu trí ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên đặt vấn đề: Tôi thấy băn khoăn về một số nội dung dự thảo, ví dụ như: Việc quy định giá tăng khá rõ ràng nhưng quy định giá giảm xem ra còn chung chung. Cụ thể, nếu giá đầu vào làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích quỹ bình ổn giá điện) thì đồng nghĩa ngành điện phải giảm ngay giá bán điện ở mức tương ứng. Tôi nghĩ trường hợp quỹ bình ổn vào hoạt động, cần quy định rõ ràng hơn về vấn đề này, giá đầu vào giảm bao nhiêu thì buộc phải giảm giá điện, tránh tình trạng ngành điện “chây ì” không chịu giảm giá.
Một số người dân khác cho rằng, nhiều năm qua, họ toàn phải chịu tăng giá điện chứ chưa bao giờ được hưởng giá điện giảm. Đồng thời, chưa bao giờ họ nghe ngành điện giải trình số lợi nhuận từ kinh doanh điện được chi vào những khoản gì, đầu tư những hạng mục gì mà chỉ nghe ngành điện “ca điệp khúc”… thua lỗ. Bây giờ lại đưa ra phương án tăng giá, giảm giá dựa theo giá của các yếu tố đầu vào của ngành điện khiến nhiều người liên tưởng đến tính kém hiệu quả của quỹ bình ổn xăng dầu từng được triển khai.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu và hiệu quả của nó vốn là đề tài gây tranh cãi lớn trong nhiều năm qua. Bởi thực tế, ngay chính lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến điều hành giá mặt hàng nhạy cảm này cũng tự nhận thấy vai trò của quỹ bình ổn giá xăng rất mờ nhạt, không phù hợp trong xu thế đưa các mặt hàng xăng, điện đi theo quy luật thị trường.
Không chỉ có doanh nghiệp và người dân, nhiều chuyên gia đầu ngành cũng đưa ra những phản biện rất mạnh mẽ về các giải pháp bình ổn giá và việc thành lập các quỹ bình ổn giá cho điện thời gian qua. Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu tài chính - giá cả cho rằng: Bình ổn giá theo tôi hiểu là giá không thay đổi, hoặc thay đổi rất ít. Nhưng tôi cũng có thể hiểu hàng hóa đang ở một mức giá cố định, được điều chỉnh nhảy vọt lên một mức cao hơn rồi giữ yên ổn một thời gian" – Tiến sĩ Vũ Đức Ánh lấy ví dụ, thời gian qua, giá điện điều chỉnh 15,28%, mức rất cao từ trước tới nay, thậm chí có đề xuất tăng tới hơn 50%, như vậy có phải bình ổn không?
Theo một số nhà kinh tế, thực tế trên thế giới có tồn tại quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng nhằm ổn định giá trong một số hoàn cảnh nền kinh tế hoặc một ngành nghề cụ thể gặp bất ổn nhất định. Với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng theo xu hướng tích cực và ổn định như hiện nay, việc tiếp tục hoặc mở rộng sử dụng quỹ bình ổn là không cần thiết, thậm chí đang “vô tình” cản trở xu hướng đưa giá tiến lại gần với thị trường.
Khác với các quan điểm trên, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, rất cần thiết có quỹ bình ổn giá điện, bởi giá điện khác với giá xăng dầu. Giá xăng dầu lên xuống hằng ngày và phụ thuộc vào thị trường thế giới nên có thể loại bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được. Còn mặt hàng điện không phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới mà phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Việc công bố cơ chế giá bán lẻ điện là điều đáng hoan nghênh trong lộ trình đưa giá điện của chúng ta theo sát với thị trường. Điều đó hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan. Và điện, cũng phải như các mặt hàng khác, phải tuân theo theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo một cơ chế cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Tuy nhiên, trong dự thảo của Bộ Công thương, việc lập quỹ bình ổn giá điện lại tính vào chi phí, như thế có nghĩa chi phí để tính giá điện sẽ phải cộng thêm một khoản và người tiêu dùng sẽ trả, chưa tương đồng với cơ chế thị trường sẽ có những luồng ý kiến không đồng tình như một tất yếu.