Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ

Thứ Tư, 16/02/2022 15:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dự thảo mới nhất về sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 vừa được Bộ Giao thông vận tải công bố đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Hai nội dung mới chưa thể thống nhất

Dự thảo sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) được xây dựng trên cơ sở tách Luật GTĐB năm 2008 thành hai luật khác nhau. Trong đó, một luật như hiện nay do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) soạn thảo và một Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì. Cụ thể, Bộ GTVT chỉ soạn thảo Luật quy định về kết cấu hạ tầng, phương tiện và vận tải đường bộ. Phần quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ sẽ được đưa vào Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do Bộ Công an xây dựng.

Như vậy, hai nội dung chính được đề cập đến trong dự luật mới đó là tách Luật hiện hành thành hai và chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Luật Giao thông Đường bộ dự kiến được sửa đổi trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông Đường bộ năm 2008. (Ảnh: TH)

Ngay sau khi công bố dự thảo mới nhất, hai nội dung sửa đổi tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã tiến hành khảo sát và trưng cầu ý kiến về hai nội dung kể trên, cũng như một số chi tiết thay đổi trong Luật. Đối tượng khảo sát là các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, cán bộ, công chức và người dân chịu tác động. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ tổ chức thực hiện khảo sát trực tiếp và trực tuyến trên cổng thông tin của Tổng cục.

Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, với hình thức trực tuyến, tính đến 16 giờ 30 phút, ngày 10/2/2022, có tổng 7.300 ý kiến gửi về hệ thống. Trong đó, nội dung tách Luật GTĐB thành hai, có hơn 70% phiếu không đồng ý và hơn 28% đồng ý, còn lại là các ý kiến khác. Về thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe có 77% phiếu không đồng ý và hơn 21% đồng ý, còn lại là ý kiến khác.

Trước đó, tại kỳ Họp Quốc hội tháng 10/2020, hai nội dung trên cũng được đưa ra để thảo luận. Tuy nhiên, đa số đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu không tán thành.

Mới đây, trong nội dung báo cáo Chính phủ tháng 1/2022, Bộ GTVT cho biết, đã tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. Kết quả tiếp tục cho thấy, chưa có sự thống nhất, đồng thuận với dự thảo sửa đổi Luật mới, trong đó xuất hiện các ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động toàn diện, khách quan, khoa học về đề xuất đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an. Cũng theo Bộ GTVT, việc sửa đổi vẫn phải kế thừa, hoàn thiện các quy định đã có và kết quả đã đạt được...

Nhiều ý kiến đa chiều

Dự luật mới được công bố đã thu hút sự quan tâm, tranh luận nhiều chiều của các bên liên quan, doanh nghiệp và người dân. Do đó, việc Bộ GTVT tiến hành trưng cầu ý kiến của Quốc hội, doanh nghiệp và người dân sẽ là cơ sở thuận lợi để cơ quan chức năng nhận được những nội dung đóng góp vào dự thảo sửa đổi.

Những ngày này, trên các diễn đàn trao đổi thông tin, có không ít bình luận xoay quanh dự thảo sửa đổi Luật GTĐB. Các ý kiến được nêu ra như: Tách Luật GTĐB thành hai luật, cũng đồng nghĩa với việc khi thực hiện quy định tham gia giao thông, người dân phải tìm hiểu, tham khảo cả hai luật khác nhau. Điều này vì vậy đã đặt ra hàng loạt câu hỏi như cần làm rõ mục đích tách Luật để làm gì, mang lại hiệu quả ra sao và có cần thiết hay không? Có tạo ra những điều tích cực hơn hay phát sinh những thủ tục rắc rối, xáo trộn?

Thực tế, mọi thay đổi trong quy định pháp luật đều tạo ra những luồng ý kiến, đánh giá đa chiều, nhất là đối với thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội. Thay đổi đúng sẽ tạo ra những động lực mới, thúc đẩy sự phát triển của xã hội và ngược lại. Do vậy, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc tách Luật cần dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn. Mối liên hệ giữa phương tiện, con người, hạ tầng phải gắn liền với nhau, khi tách ra, sẽ “chia nhỏ” từng công đoạn, có thể gây khó cho công tác quản lý, thực thi pháp luật.

Trên thực tế, hoạt động tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang được xã hội hóa mạnh mẽ và đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân cả nước. Trả lời báo chí, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hội Vận tải Hải Phòng cho biết, tới nay, chưa có cơ sở để khẳng định việc chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an sẽ tốt hay không tốt so với Bộ GTVT quản lý. “Việc đa số các đại biểu Quốc hội và người chịu tác động được hỏi phần lớn nghiêng về giữ nguyên Luật như cũ theo tôi là điều hợp lý, dễ hiểu. Thay vì sửa đổi hay chuyển thẩm quyền quản lý, với những quy định chưa phù hợp, chưa tốt, cơ quan chức năng có thể bổ sung, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm…”, ông Lê Văn Tiến nhận định. 

Trong báo cáo giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự thảo tách Luật GTĐB, Bộ GTVT nêu quan điểm, quyết định thực hiện xây dựng một luật hay hai luật không phải thẩm quyền ở Bộ GTVT mà thuộc về sự phân công của Chính phủ. Bộ GTVT cũng cho biết, với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan tham mưu trình để xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Xung quanh dự thảo sửa đổi Luật GTĐB hiện vẫn còn những ý kiến tranh luận đa chiều. Thiết nghĩ, sửa luật để bắt kịp với sự phát triển của đời sống xã hội là cần thiết, song các cơ quan chức năng nên chăng cần cân nhắc, đánh giá để có sự phù hợp, hiệu quả nhất. Việc điều chỉnh hay sửa luật phải ưu tiên đặt lợi ích của người dân, của sự phát triển xã hội lên hàng đầu. Đó là cơ sở để những quy định đưa ra đủ sức thuyết phục, được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ và mang lại những hiệu quả tích cực cho xã hội./.

Ngọc Mai

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN