Nhiều tranh cãi xoay quanh chiến dịch giải cứu con tin của Israel
(ĐCSVN) - Cuối tuần qua, Israel thông báo đã giải cứu thành công 4 con tin khỏi nơi giam giữ tại Dải Gaza. Tuy nhiên, cuộc giải cứu đã gây tranh cãi khi Cơ quan y tế Dải Gaza, ngày 9/6, cho biết hành động của Israel đã khiến ít nhất 274 người Palestine thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Một trong số các con tin được giải cứu. (Ảnh: Reuters) |
Cuộc đột kích bắt đầu được thực hiện vào 11 giờ ngày 8/6 để tạo sự bất ngờ. Các nhóm biệt kích của Israel, với sự hỗ trợ tình báo của Mỹ, đã xông vào hai ngôi nhà cách nhau 200 m tại khu vực dân cư đông đúc ở Nuseirat để giải cứu con tin được canh giữ cẩn mật bởi các tay súng Hamas. Quân đội Israel thông báo sức khỏe của 4 con tin được giải cứu khỏi khu trại tị nạn Nuseirat ở miền Trung Gaza đã hoàn toàn ổn định. Cả 4 người, gồm một nữ và 3 nam, đã bị bắt cóc tại một sự kiện âm nhạc khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công Israel vào ngày 7/10/2023.
Tuy nhiên, chiến dịch của Israel được cảnh báo có thể sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực đàm phán. Hàng trăm người Palestine thương vong trong một cuộc đột kích của Israel là một “cái giá đắt của xung đột”, chưa kể đến số thương vong tăng vọt hiện đã lên tới 36.700 người giữa lúc tình hình chiến sự kéo dài 8 tháng qua ở Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bầu không khí tang thương ở Gaza
Phát biểu trên hãng tin AP, nhân chứng Mohamed al-Habash bàng hoàng mô tả vụ đánh bom của Israel không khác nào “địa ngục”. “Chúng tôi nhìn thấy nhiều máy bay chiến đấu bay qua khu vực. Chúng tôi thấy mọi người chạy trốn trên đường phố. Phụ nữ và trẻ em la hét và khóc” – ông al-Habash nói.
Không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề về sinh mạng, cuộc giải cứu do Israel thực hiện ngày 8/6 cũng đã tác động tiêu cực đến những nỗ lực cứu trợ vốn đang rất mong manh ở Gaza. Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Cindy McCain cho biết, cơ quan này đã đình chỉ các hoạt động phân phối hàng viện trợ xung quanh một bến tàu do Mỹ xây dựng ở ngoài khơi Gaza do một số hạ tầng bị trúng tên lửa.
Hiện trường đổ nát sau cuộc tấn công của Israel ở trại tị nạn Nuseirat, miền Trung Dải Gaza, ngày 8/6. (Ảnh: AP) |
Tại Gaza, các bác sĩ mô tả cảnh tượng hỗn loạn sau cuộc đột kích. Các bệnh viện vốn đã trong tình trạng quá tải thì nay lại phải vật lộn để điều trị cho những người bị thương sau những ngày bị Israel tấn công dữ dội.
Ông Karin Huster thuộc Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, làm việc tại Al-Aqsa, cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận đủ các loại thương vong do chiến tranh, vết thương do chấn thương, từ cắt cụt chi, cắt bỏ da thịt đến chấn thương, đến TBI (chấn thương sọ não), gãy xương và bỏng lớn… Những đứa trẻ bị sốc, bị bỏng và la hét đòi bố mẹ. Nhiều trẻ trong số này thậm chí không thể la hét vì quá sốc”.
Nội các Israel đối mặt với nhiều rạn nứt
Trái với bầu không khí tang thương ở Gaza sau cuộc đột kích, quân đội Israel thông báo về việc đã tấn công nhằm vào “các mối đe dọa đối với lực lượng Israel trong khu vực”. Thông báo cũng cho biết, lực lượng Israel đã phải hứng chịu hỏa lực dữ dội và phải đáp trả bằng lực lượng mạnh, bao gồm cả sự hỗ trợ từ máy bay.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz cuối tuần qua đã lên tiếng bác bỏ những ý kiến chỉ trích về chiến dịch giải cứu con tin của Israel. Cuối tuần qua, các phương tiện truyền thông Israel đa phần tập trung đưa tin về con số thương vong của người Israel, con tin và các nỗ lực quân sự của Israel trong khi chỉ đưa tin lác đác về tình hình của người Palestine ở Gaza.
Theo số liệu thống kê, hiện vẫn còn khoảng 120 con tin Israel vẫn bị giam giữ ở Gaza, trong đó 43 người được cho là đã chết, sau khi khoảng một nửa trong số này đã được thả trong lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11. Theo nguồn tin từ Chính phủ Israel, quân đội nước này đã tìm thấy thi thể của ít nhất 16 người. Những con tin còn sống sót bao gồm khoảng 15 phụ nữ, hai trẻ em dưới 5 tuổi và 2 người đàn ông ở độ tuổi 80.
Nhiều con tin được cho là đang bị giam giữ tại các khu vực đông dân cư hoặc bên trong các đường hầm phức tạp của Hamas, khiến việc giải cứu trở nên phức tạp và đầy rủi ro. Trước đó, Israel đã thực hiện một cuộc đột kích vào tháng 2/2024 và giải cứu được 4 con tin. Đổi lại, chiến dịch giải cứu cũng đã khiến 74 người Palestine thiệt mạng.
Trong khi đó, những chia rẽ nội bộ sâu sắc cũng đã xuất hiện ở Israel về các biện pháp tốt nhất để đưa các con tin về nước. Nhiều người thúc giục Thủ tướng Benjamin Netanyahu chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố vào tháng trước để đổi lấy việc trao trả tự do cho các con tin. Tuy nhiên, một số đồng minh cực hữu lại cảnh báo sẽ lật đổ chính phủ nếu ông Netanyahu hành động theo hướng này.
Chỉ vài giờ sau cuộc giải cứu, hàng nghìn người Israel đã tụ tập để phản đối chính phủ và kêu gọi thỏa thuận.
Bộ trưởng Benny Gantz rút khỏi Nội các chiến tranh Israel. (Ảnh: AFP) |
Ngày 9/6, Bộ trưởng Benny Gantz – vốn được biết đến là một chính trị gia có quan điểm ôn hòa trong Nội các chiến tranh gồm 3 thành viên của Israel đã tuyên bố rời vị trí. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Gantz cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang thất bại trong cuộc xung đột với Hamas ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi nhà lãnh đạo Israel “ấn định thời điểm tổ chức bầu cử” sớm để thành lập một chính phủ “sẽ giành được sự tín nhiệm của nhân dân và có thể đối mặt với những thách thức”.
Cùng ngày, một chỉ huy sư đoàn Gaza của quân đội Israel cũng đã từ chức trước những thất bại dẫn đến cuộc xung đột ở Gaza ngày 7/10 năm ngoái.
Trong bối cảnh trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thông báo kế hoạch trở lại Trung Đông trong tuần này để tìm kiếm bước đột phá trong nỗ lực ngừng bắn. Tuy nhiên, triển vọng vẫn còn mờ nhạt khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết nhà hòa giải Ai Cập và Qatar chưa nhận được thông tin chính thức từ phong trào Hồi giáo Hamas về thỏa thuận được đề xuất.
Hiện cộng đồng quốc tế đang gia tăng áp lực đối với Israel nhằm hạn chế đổ máu dân sự trong cuộc xung đột ở Gaza. Hàng triệu người Palestine ở dải đất hẹp ven Địa Trung Hải cũng đang đứng trước nguy cơ nạn đói rình rập do tác động của xung đột và những biện pháp cấm vận của Israel đã cắt đứt phần lớn dòng viện trợ. Những hậu quả nặng nề mà cả người Israel và Palestine phải gánh chịu đã cho thấy việc thúc đẩy mọi nỗ lực để hướng tới một giải pháp hòa bình chấm dứt xung đột đang ngày càng trở nên cấp bách./.