Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều thành tựu quan trọng trong giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Bảy, 24/08/2024 17:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Các ý kiến tại Hội thảo khoa học "Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hiện nay" đều thống nhất nhận định, trong thời kỳ đổi mới, việc xây dựng gia đình nói chung, giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam nói riêng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam...

Ngày 24/8, tại Cần Thơ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực IV tổ chức Hội thảo khoa học "Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hiện nay".

Dự và chủ trì Hội thảo có GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang; TS. Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV; TS. Nguyễn Thị Minh Trang - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long.

Quang cảnh hội thảo.

Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất nhận định, trong thời kỳ đổi mới, việc xây dựng gia đình nói chung, giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam nói riêng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng...

Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhìn từ chiều cạnh hệ giá trị gia đình, trong thời gian qua, việc thực hiện giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh của gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có nhiều tiến bộ quan trọng.

Bên cạnh những thành tựu nói trên, việc xây dựng gia đình và hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long cũng còn một số hạn chế và vấn đề đang đặt ra. Cùng với những tác động tích cực, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và sự phát triển của công nghệ số, xã hội số... cũng đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc xây dựng gia đình và giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở khu vực này.

Chẳng hạn, do xuất phát điểm trong phát triển và sự tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và một số nguyên nhân khác nên điều kiện kinh tế của một số gia đình còn khó khăn, tình trạng xuất cư trong vùng đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam theo hệ giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Đó còn là sự suy giảm của một số giá trị như chung thủy, yêu thương, chia sẻ, hiếu nghĩa, kính trên nhường dưới và bình đẳng trong hôn nhân.

Sự xuống cấp của hệ giá trị gia đình không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển con người, mà còn là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến các hiện tượng, như tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân, bất bình đẳng giới... Từ đó ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của gia đình và xã hội.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, hiện nay, có hai vấn đề chủ yếu đang đặt ra đối với việc giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long, đó là: (i) yêu cầu giữa phát triển gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh với mức độ thực hiện các giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh trong thực tế còn chưa đáp ứng được yêu cầu; (ii) Sự chưa đồng bộ trong thực hiện các giá trị của gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long.

Những vấn đề đặt ra trong giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long, cùng với những yêu cầu về xây dựng con người Việt Nam nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu, tầm nhìn phát triển của vùng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi cần phải tiếp tục có những giải pháp để xây dựng gia đình phát triển bền vững cũng như giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo đã góp phần làm rõ những vấn đề lý luận về gia đình, hệ giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh mới; thực tiễn những vấn đề liên quan đến việc giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long; phân tích dự báo các yếu tố tác động đến việc giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất ý kiến liên quan đến xây dựng, cụ thể hóa hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới; đề xuất một số giải pháp nhằm giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; kiến nghị các chính sách khả thi nhằm giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới./.

Tin, ảnh: Phương Liên - Trường Giang (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN