Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bảo hiểm y tế ở vùng khó khăn

Thứ Hai, 21/11/2022 15:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngay khi Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, khoảng 10% dân số tỉnh Bình Phước bị cắt giảm thẻ bảo hiểm y tế đã tác động rất lớn tới việc thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân, cũng như mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân của tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ người dân vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có khoảng 100.817 người (tương ứng khoảng 10% dân số) không được tiếp tục hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế khi áp dụng Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết những đối tượng này là người có cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số, điều này làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh của người dân. Hiện dân số toàn tỉnh Bình Phước khoảng 1.018.076 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 195.635 người/41 dân tộc thiểu số, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Phước trao tặng thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số xã Đường 10, huyện Bù Đăng. Ảnh: ĐT

Có mặt trong buổi trao tặng thẻ BHYT miễn phí cho người dân tộc thiểu số của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, chị Thị Ưng, 29 tuổi, người dân tộc S'tiêng trú tại xã Đường 10 không khỏi xúc động khi cầm trên tay tấm thẻ BHYT do lãnh đạo BHXH huyện Bù Đăng trao tặng. Chị cho biết từ nay không phải lo lắng về tiền trả viện phí mỗi khi con nhỏ ốm đau phải vào bệnh viện thăm khám, điều trị. Chị Ưng cho biết trước đây gia đình chị thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí nhưng do chính sách thay đổi, năm nay gia đình phải tự mua thẻ và được hỗ trợ một phần. Thời gian qua vợ chồng chị cùng hai con nhỏ 6 và 11 tuổi đều chưa từng có thẻ BHYT. Lý do theo chị Ưng, cuộc sống của 2 vợ chồng khó khăn, số tiền có được chỉ trông chờ vào những buổi làm thuê theo thời vụ. Tuy nhiên, với số tiền thu nhập ít ỏi, khoảng 2-3 triệu đồng/tháng nên tiền ăn nhiều lúc cũng không đủ nên cả hai chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ tiền ra mua thẻ BHYT cho cả nhà. “Có lúc con nhỏ bị bệnh phải đi bệnh viện, gia đình chỉ biết sang họ hàng, làng xóm vay mượn tiền để chữa bênh cho con”- chị Ưng chia sẻ.

Cũng được nhận tấm thẻ BHYT có thời hạn sử dụng 1 năm, vợ chồng anh Hoàng Văn Hiến, 55 tuổi, ở xã Đường 10 cho biết nhiều lúc anh cũng thấp thỏm về sức khoẻ của mình nhưng do thu nhập ăn còn chưa đủ nên cũng không nghĩ đến việc mua thẻ BHYT để đó.

Tại buổi trao tặng thẻ BHYT cho các hộ gia đình, bà Nông Thị Luỹ, Bí thư Đảng uỷ xã Đường 10 (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), cho biết sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT. Nhận thức được vai trò của tấm thẻ BHYT, địa phương đã phối hợp với UBND xã vận động người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, theo bà Luỹ, do nhận thức một số bà con còn hạn chế, hơn nữa do điều kiện kinh tế một số hộ gia đình khó khăn nên việc tham gia BHYT còn mang tính chất có hay không cũng được.

“Vừa qua, tỉnh uỷ Bình Phước đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện các chính sách bảo hiểm, trong đó điều chỉnh việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ dân tộc thiểu số ngoài nguồn ngân sách của trung ương. Với sự hỗ trợ này riêng xã Đường 10 có gần 2.700 trẻ BHYT được trao tặng cho người dân”- bà Luỹ chia sẻ.

Người dân xã Đường 10 vui mừng khi được nhận tấm thẻ BHYT. Ảnh: ĐT

Vận động cán bộ, Đảng viên mua BHYT cho người thân

Theo ông Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc BHXH huyện Bù Đăng, so với thời điểm trước khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, hàng chục nghìn người dân trên địa bàn huyện không còn được hưởng ngân sách Trung ương hỗ trợ đóng BHYT. Tuy nhiên, thời gian qua, với nhiều chính sách tuyên truyền, vận động, hỗ trợ… số người tham gia BHYT của huyện Bù Đăng hiện đã đạt 82%, riêng xã Đường 10, hiện 100% hộ gia đình đã có thẻ BHYT.

“Từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, việc phát triển thẻ BHYT vẫn là ưu tiên của ngành BHXH Bình Phước bởi chúng tôi quan niệm đây là vấn đề an sinh, khi người dân có sức khoẻ sẽ yên tâm lao động, học tập và công tác”- ông Ánh nói.

Ông Lê Xuân Cao, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước cho biết với những xã không còn chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người dân, thì việc duy trì và nâng cao tỉ lệ bao phủ BHYT cũng đòi hỏi ở các địa phương có các giải pháp linh hoạt. Cụ thể, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, vận động sự tài trợ của doanh nghiệp có tiềm lực để hỗ trợ đống BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt phát huy vai trò gương mẫu của Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong việc chăm lo thực hiện trách nhiệm hỗ trợ cho người thân, phấn đấu hết năm 2023 có 93% dân số của tỉnh Bình Phước sẽ tham gia BHYT. Đến nay, BHXH tỉnh Bình Phước đã vận động các cá nhân, nhà hảo tâm với số tiền trên 2,2 tỉ đồng tương đương với hơn 18.000 thẻ BHYT để người thụ hưởng có hoàn cảnh khó khăn.

Với việc trao tặng những tấm thẻ BHYT, ông Cao nhấn mạnh hoạt động này sẽ góp phần chia sẻ bớt khó khăn, giúp người dân có điều kiện được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đây cũng là hoạt động mang tính nhân văn, nhân đạo, góp phần đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN